Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng,
chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (30-12-1966).
Thi đua mà không khéo lãnh đạo, tổ chức, điều khiển thì thường nảy sinh chia rẽ, ganh tỵ, tức tối nhau, ghét bỏ nhau, lại có thể làm những người tham gia thi đua kiệt sức, mất dẻo dai và bền bỉ. Tránh hiện tượng các cá nhân, tập thể tham gia thi đua mà chia rẽ, bản vị, chỉ biết mưu lợi ích cho địa phương mình, công việc mình mà không ngó đến lợi ích của nơi khác và cả nước. Lại phải tránh phí phạm sức lực của những người tham gia thi đua. Tránh tư tưởng anh hùng cá nhân, vì thành tích cá nhân. Cấp ủy Đảng trên chỉ thị cho cấp dưới phải cụ thể, thiết thực, nhưng không nên máy móc, hẹp hòi, để ý lỗi nhỏ nhặt. Phải để cho cấp dưới có sáng kiến. Chỉ thị của cấp trên là chỉ thị chung. Các địa phương nhận được chỉ thị của cấp trên, phải đem ra thảo luận, tự đặt ra kế hoạch cho sát với hòan cảnh của mình. “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”. Phải chống bệnh quan liêu, bàn giấy trong tổ chức phong trào thi đua. Người cũng chỉ ra sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời lại có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”. Nhà nước thưởng phạt nghiêm minh là nhà nước mạnh. Người nói: thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Người rất quan tâm đến việc biểu dương và phát huy sức mạnh của những tấm gương “Người tốt, việc tốt” bằng cách kịp thời khen thưởng, động viên khuyến khích bằng vật chất hoặc tinh thần nhằm phát triển cái tốt để lấn át cái xấu, nhằm xây dựng con người mới, làm cho xã hội ngày một tiến bộ. Khen thưởng sai sẽ kìm hãm thi đua thực sự.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng phải lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước. "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng". Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị, các ngành, các địa phương, các Đoàn thể đều đẩy mạnh phong trào thi đua đạt được những thành tích xứng đáng, tạo thành các cao trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cả nước, qua các giai đoạn cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam từ đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.
Một số quan điểm của Đảng ta về thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời kỳ đổi mới
Những tư tưởng đổi mới về thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của Đảng ta thể hiện rõ trong các Chỉ thị 35 ngày 3-6-1998, Chỉ thị 39 ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị và trong Kết luận số 83 của Ban Bí thư ngày 30-8-2010, trong đó, Đảng ta khẳng định cần tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh coi thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay; coi thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”.
Các phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và cơ sở, có mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực. Dấy lên phong trào thi đua sôi nổi nhằm phát huy cao độ tính tích cực trong mọi ngành, mọi giới, các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, các thành phần kinh tế, rộng khắp trong cả nước, tạo ra động lực tinh thần, vật chất mới hăng hái, tham gia lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần kiệm sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đảng ta cũng chỉ rõ, cần kịp thời tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, tập trung chỉ đạo phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để cổ vũ, động viên mọi người học tập và làm theo phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tạo không khí phấn khởi trong đời sống xã hội”. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức thi đua khen thưởng; kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng. Thi đua gắn liền với các hình thức khen thưởng phù hợp với điều kiện đất nước, động viên kịp thời, đúng người, đúng việc, hướng về cơ sở và người lao động. Thực hiện khen thưởng trên nguyên tắc: chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Khen thưởng phải bảo đảm thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. Chống lại hiện tượng báo cáo thành tích không chính xác, khen thưởng không đúng người, đúng việc. Nâng cao trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội với phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua. “Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thi đua khen thưởng”.
Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy công tác thi đua khen thưởng từ trung ương đến cơ sở, gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Gắn phong trào thi đua, yêu nước với cuộc vận động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cần phân tích tìm ra nguyên nhân của việc coi nhẹ, buông lỏng công tác thi đua, khen thưởng ở một số nơi, một số lúc. Tập trung làm rõ nguyên nhân từ phía lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác này và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và các cơ quan chuyên trách làm tham mưu cho các cấp ủy Đảng và chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng.
Qua tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, trong Kết luận số 83, ngày 30-8-2010, Ban Bí thư Trung ương chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong công tác thi đua, khen thưởng. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, làm hạn chế động lực. Việc khen thưởng còn tràn lan, nhiều nơi còn cào bằng, chưa kịp thời, chưa chính xác, có biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong suy tôn, bình xét khen thưởng; không ít trường hợp vận dụng khen thưởng chưa đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, nặng về thành tích, chất lượng không bảo đảm, thủ tục hành chính phức tạp, thẩm định hồ sơ khen thưởng chưa sát, thiếu chặt chẽ; một số tập thể, cá nhân được khen thưởng ít có sức lan tỏa và nêu gương trong cuộc sống.
Hiện nay, những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta, nâng cao trách nhiệm, hết lòng hết sức tổ chức, lãnh đạo và đi đầu tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thi đua khen thưởng, kết hợp chặt chẽ thi đua và khen thưởng, mang lại cho phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và công tác thi đua khen thưởng một khí thế mới, để thi đua khen thưởng thực sự là một động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện được điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ chí Minh là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.
Theo tạp chí Cộng sản
Cập nhật lúc: 16:58' 23/1/2012
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2012/14535/Mot-so-quan-diem-co-ban-cua-chu-nghia-Mac-Lenin.aspx
http://tutuonghochiminh.vn/cmvn/mot-so-quan-diem-co-ban-cua-chu-nghia-mac-le-nin-tu-tuong-ho-chi-minh-va-dang-ta-ve-thi-dua-khen-thuong.d-604.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét