Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

PGS,TS Nguyễn Thế Thắng: Đổi mới PPGDTTHCM

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
PGS,TS Nguyễn Thế Thắng
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đối với các thày giáo và học sinh, sinh viên, học viên chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những là Nhà tư tưởng lớn, Lãnh tụ thiên tài, mà còn là một Nhà Giáo vĩ đại. Cho nên, hạnh phúc với chúng ta là nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của Người về giáo dục vào việc giảng dạy lý luận chính trị, nhất là vào việc giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, một bộ phận quan trọng cấu thành Bộ môn Hồ Chí Minh học có mã số 60 31 27.
1- Tính cấp thiết đổi mới phương pháp giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh
Việc dạy và học tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường Cao đẳng, Đại học, cũng như trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang được thực hiện tích cực. Song, có thể nói, việc đó chưa đạt đến trình độ phát triển mạnh với hiệu quả cao nhất. Để cho việc học tập, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh phát triển mạnh cả về bề nổi, bề rộng và đi sâu được vào cuộc sống, nhất định phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm làm cho người học nắm được thực chất cách mạng, khoa học, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nói đi đôi với làm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, để người học thực sự vừa học tập, vừa làm theo tư tưởng cuả Người.
Hơn nữa, cần đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho người học tăng cường sức đề kháng đối với sự xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, chống lại âm mưu hạ bệ thần tượng của chúng.
Cần đổi mới phương pháp giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm khắc phục tình trạng người giảng đọc cho người học chép. Học sinh, sinh viên, học viên học thuộc lòng, không suy nghĩ, không vận dụng được kiến thức vào cuộc sống. Khắc phục việc học tập để phô trương, chỉ có hình thức, tốn kém, ít tác dụng, v,v.
2- Cần xác định rõ hơn, cụ thể hơn mục đích, mục tiêu giảng dạy, học tập của cả bộ môn và từng bài giảng.
Nếu nói mục đích chung của việc giảng dạy và học tập, dường như ai cũng biết cả. Song, có thực sự quán triệt được mục đích đó không trong thực tế, chính lại là cái quyết định thành công của người giảng và người học. Peter flene một nhà giáo Mỹ- Chuyên gia về phương pháp giảng dạy cho rằng, tiền đề để giảng dạy thành công, thành một nhà giáo giỏi, thì phải trả lời được câu hỏi:
“Tại sao bạn muốn đi dạy?”1.
Còn Hồ Chí Minh thường khuyên các thày giáo trước khi lên bục giảng cần phải xác định, trả lời rõ mấy câu hỏi.
Nói cái gì?
Vì ai mà nói?
Nói để làm gì?
Đồng thời cần xác định cho người học rõ:
Học để làm gì?
Học để phục vụ ai?
Người khuyên: “Các thày giáo cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước”2.
Theo quan điểm đó, các thày cô giáo chúng ta trước sự nghiệp cuộc đời cũng như mỗi khi lên bục giảng không thể không ngộ rõ sứ mệnh cao cả của bộ môn mình. Đó là giúp cho người học thấm nhuần sâu sắc hệ thống quan điểm và phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, nâng cao thêm lòng yêu nước, tinh thần phục vụ nhân dân, đạo đức cách mạng, để làm cho chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho chúng ta trong cuộc sống và sự nghiệp của mình.
Không những vậy, hằng ngày, trước khi vào mỗi bài giảng vẫn cần xác định rõ: Mục tiêu bài giảng này cần đạt là cái gì? Thí dụ như: Ta muốn học viên nắm vững cái gì ở bài Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản. Đặc biệt là ở thời điểm hiện nay- các tổ chức Đảng đang chuẩn bị đại hội để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI?
Hoặc ta muốn học viên cần cái gì ở bài Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đoàn kết, về Đạo đức, về Văn hóa, v,v. trong tình hình có sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên,v,v.
Xác định rõ mục tiêu bài giảng, đáp ứng nhu cầu nhận thức của học viên, bài giảng mới tránh được việc nói chính trị suông, khô khan, trống rỗng.
3- Quán triệt triết lý Hồ Chí Minh về giảng dạy lý luận chính trị
Trên các diễn đàn về giáo dục thời gian qua, nổi lên vấn đề đi tìm triết lý gíao dục cho sự đổi mới công tác giáo dục. Theo tôi, có thể hình thành nên một triết lý giáo dục cho công tác giáo dục lý luận chính trị của chúng ta, từ việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với quán triệt các quan điểm cơ bản của Đảng ta về giáo dục và tiếp biến chọn lọc lý luận, kinh nghiệm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các nước trên thế giới hiện nay.
Chúng ta cần có một nền giáo dục với việc dạy và học vì mục tiêu xây dựng một xã hội ”Dân giàu, nước mạnh”3, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Nên giáo dục là quốc sách hàng đầu trong chấn hưng dân tộc. Giáo dục lý luận chính trị là một công tác căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, Đoàn thể nhằm phục vụ việc thực hiện đường lối, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
Triết lý, quan điểm và mục tiêu công tác giáo dục lý luận chính trị nằm ngay trong luận điểm của Lênin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc lại với cán bộ, Đảng viên:
“Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” và “Chỉ có một Đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiền phong”. Do đó, Người khẳng định:
“Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”4.
Triết lý giáo dục lý luận chính trị Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong lời ghi của Người ở trang đầu cuốn sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tháng 9 năm 1949:
“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, Giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải Cần, kiệm, liêm, chính, Chí công vô tư.”5
Mỗi bài giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh sao cho đều góp phần vào việc giúp cho người học có mong muốn và phương pháp làm việc của mình tốt hơn khi chưa học. Trải qua học tập tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh, thấy rõ hơn con đường sống, phấn đấu để trước hết làm một con người với nghĩa cao đẹp nhất của nó, và tiếp đó, thành một cán bộ tốt, biết phục vụ tổ quốc và nhân dân một cách có hiệu quả nhất.
4- Một số nguyên tắc làm cho nội dung bài giảng tư tưởng Hồ Chí Minh sâu sắc.
Một là, Nắm vững tiểu sử, hoạt động với các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến việc hình thành các nguyên lý lý luận.
Ở Hồ Chí Minh có một sự nhất quán cao độ giữa tư tưởng và hành động, nói và làm. Người nổi tiếng là một nhà triết lý hành động. Những luận điểm lý luận quan trọng của người đều là sự đúc rút từ khảo sát lý luận và tổng kết thực tiễn, từ trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của Người. Nên mỗi luận điểm đều có nguồn gốc, hoàn cảnh ra đời và quá trình hoàn thiện của nó. Chứ không phải nó bỗng dưng được Người sáng suốt nghĩ ra. Nên giảng viên tư tưởng Hồ Chí Minh, hơn ai hết phải có hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp Hồ Chí Minh, nhất là những hoạt động của Người liên quan đến việc nảy sinh các luận điểm cách mạng và sự vận dụng những luận điểm đó của Người và của Đảng ta trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng và cả trong đối nhân xử thế nữa.
Phương pháp lịch sử cụ thể ở giảng viên phải nhuần nhuyễn đến mức thành cảm hứng truyền sang cho người học, tạo thành một phong cách học tập, nghiên cứu và làm việc như Hồ Chí Minh từng yêu cầu:
“Đối với bất cứ vấn đề gì đều cần phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều”6.
Hai là, Không nên chỉ nắm ngọn, mà cần hiểu rõ các nguồn gốc lý luận trực tiếp dẫn tới hình thành luận điểm cách mạng của Hồ Chí Minh.
Từ bài đầu tiên trong bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh, người dạy và người học đều đã rõ các nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Song, mục đích của việc chỉ ra nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh, chắc không phải chỉ để biết Tư tưởng Hồ Chí Minh có những nguồn gốc cụ thể nào. Quan trọng hơn là ý nghĩa phương pháp luận của vấn đề đó đối với cả người dạy và người học. Cần hình thành một phương pháp làm việc hiệu quả trong công tác lý luận nói chung, cũng như trong giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tránh cho bài giảng tư tưởng Hồ Chí Minh nông cạn, kém hấp dẫn, người dạy cần có một phông văn hóa sâu rộng, ít nhất trong đó có sự hiểu biết về những truyền thống tư tưởng văn hóa, các học thuyết lớn cổ kim, Đông Tây mà Hồ Chí Minh đã chú trọng kế thừa tinh hoa trong hoạch định đường lối cách mạng và các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Thí dụ như cần hiểu biết về Lý thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và chủ nghĩa Mác Lê nin mới làm cho việc truyền thụ những nhận định về đường lối và phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh thêm sinh động. Bởi trong đường lối, phương pháp cách mạng của Người chứa đựng tính kiên định, sắc sảo, nhạy bén của Lênin; tính độc lập tự chủ tự cường của Lý Thường Kiệt, lòng nhân ái bao dung của Nguyễn Trãi; tài thao lược quân sự của Trần Hưng Đạo và sức mạnh thần tốc của Nguyễn Huệ.
Hiểu rõ Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp nước Mỹ; sự nghiệp của Tổng thống Oa-sinh-tơn thời lập nước Mỹ, tư tưởng sự nghiệp của Tổng thống Jep-phec-sơn, Tổng thống Linh-côn; hiểu rõ Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền và dân quyền của nước Pháp, các tư tưởng về tự do Bình Đẳng, Bác ái, về Nhà nước pháp quyền trong tư tưởng văn hóa Phương Tây mới càng thấy rõ thêm bản lĩnh sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng lập, lãnh đạo xây dựng Nhà nước của dân do dân vì dân ở nước ta.
Càng hiểu rõ các quan điểm về đạo đức, về con người của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, của triết học Mác- Lê nin, càng có thêm nội lực văn hóa và trí tuệ cảm xúc khi thuyết giảng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Một nền tảng tư tưởng văn hóa sâu rộng, vững chắc như thế đã làm nên sức sống mãnh liệt và hiệu quả to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho nên, ngày nay, để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề lớn, phức tạp nảy sinh trong lý luận và thực tiễn của sự nghiệp đổi mới và cả trong cuộc sống của mỗi chúng ta, không thể không học theo phương pháp làm việc Hồ Chí Minh. Trước hết là cần biết kế thừa truyền thống tư¬ tư¬ởng văn hoá của dân tộc ta; tiếp biến tinh hoa văn hoá, t¬ư t¬ưởng nhân loại. Đặc biệt là biết vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tế công tác của mình.
Ba là- Hiểu rõ những vấn đề khoa học, lý luận cơ bản mà tư tưởng Hồ Chí Minh đề cập, có phương pháp liên ngành.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong hệ thống quan điểm đó, dường như, mỗi quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh đều có một môn khoa học hoặc một số bộ môn khoa học tương ứng nghiên cứu. Cho nên, Người giảng tư tưởng Hồ Chí Minh từng bước một cần nắm được tri thức khoa học cơ bản của những bộ môn tương ứng đó.
Thí dụ như, giảng tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản, cần biết các vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh đã được đề cập đến ở các góc độ khoa học lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng.
Giảng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật cần có tri thức khoa học về nhà nước và pháp luật.
Giảng tư tưởng Hồ Chí Minh về Đạo đức, về Văn hóa, cần hiểu biết triết học, Đạo đức học, Tri thức văn hóa và phát triển, văn hóa học, v,v. Người càng có hiểu biết chuyên môn sâu sắc về các lĩnh vực đó bao nhiêu, thì khả năng khai thác, truyền giảng tư tưởng Hồ Chí Minh về các lĩnh vực đó bấy nhiêu.
Tuy khó có thể có được hiểu biết như các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực khoa học, nhưng việc có hiểu biết tốt các khoa học liên quan đến Hồ Chí Minh học, sẽ giúp cho việc giảng dạy Hồ Chí Minh học nói chung và tư tưởng Hồ Chí minh thêm sâu sắc và có hiệu quả cao.
Bốn là- Thừa kế những nhận định, đánh giá của các Đảng ta, của các vị lãnh đạo, Đảng, Nhà nước về Hồ Chí Minh. Thừa kế các nghiên cứu của các học giả lớn về Hồ Chí Minh.
Đây chính là hướng quán triệt sâu sắc tính Đảng và tính khoa học trong nghiên cứu giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là trí tuệ cá nhân Hồ Chí Minh, đó cũng là kết tinh trí tuệ và kinh nghiệm đấu tranh của Đảng ta. Những tinh hoa trí tuệ, kinh nghiệm đó còn được thể hiện ở những lãnh tụ Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt ở những vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiệt xuất, đồng thời là những học trò xuất sắc, là cộng sự trung thành của Hồ Chí Minh. Như các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Đó cũng chính là những người có công đầu trong việc cụ thể hóa, bảo vệ, phát triển và truyền bá rộng rãi tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho đến nay, việc tìm hiểu các bài nói, bài viết của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đó vẫn cho ta những định hướng cơ bản trong nghiên cứu, bảo vệ và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới.
Nghiên cứu các văn kiện Đảng từ Đại hội II năm 1951 cho đến Đại hội X hiện nay, các bài nói, bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, chúng ta càng có thêm bản lĩnh chính trị, lập trường vững chắc trong vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới. Một lĩnh vực có thể nói là khó khăn nhất trong nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh. Song, lại có thể có đóng góp thiết thực cho công tác tư tưởng, lý luận của Đảng ta.
Một yêu cầu có tính nguyên tắc trong khoa học là để có cái mới khoa học, Người đi sau phải biết đứng trên vai người đi trước. Tức là biết kế thừa thành quả nghiên cứu của người đi trước. Hơn nữa, chúng ta lại đang sống trong thời kỳ bùng nổ thông tin về tư tưởng Hồ Chí Minh. Hàng ngày, hàng giờ xuất hiện nhiều bài nói, bài viết, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật về Hồ Chí Minh ra đời. Các công trình đó nói về Hồ Chí Minh từ nhiều góc độ khác nhau.
Những người tham gia công tác đào tạo cán bộ lý luận chính trị và truyền thông cần sáng suốt phân biệt đúng sai, thật giả, nghiêm túc, hay cẩu thả, vô trách nhiệm trong các ấn phẩm về Hồ Chí Minh. Thấy rõ tính gay go, phức tạp thậm chí quyết liệt trên mặt trận tư tưởng văn hóa hiện nay xung quanh vị anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.
Ta cần kịp thời tranh thủ những kết quả mới và tiến bộ trong các nghiên cứu về Hồ Chí Minh, đặc biệt là thành tựu của các học giả lớn và tiến bộ. Đó là một điều kiện cần thiết để nâng cao tính khoa học, nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy Hồ Chí Minh. Mặt khác, dám lên tiếng bác bỏ một cách khoa học những sai trái trong các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Hồ Chí Minh, nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh.
5- Kết hợp các phương pháp, kỹ năng dạy học truyền thống và hiện đại.
Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau trong sử dụng các phương pháp giảng dạy. Đã có nhiều người nêu ra những yếu kém của phương pháp thuyết trình truyền thống. “Đọc chép” là sự mỉa mai giành cho nhưng người chỉ biết thuyết giảng, thậm chí truyết giảng kém.
Cũng đã có nhiều người tâm huyết trong quảng bá các phương pháp giảng dạy hiện đại. Song, cũng có người nghi ngờ hiệu quả của việc ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại vào các môn lý luận chính trị, hoặc phê phán sự lạm dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại, luyến tiếc, đề cao những ưu điểm của phương pháp thuyết trình truyền thống, v,v.
Theo tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi cho rằng cần có sự kế thừa những ưu điểm trong phương pháp thuyết trình, kết hợp với vận dụng sáng tạo các phương pháp, kỹ năng giảng dạy hiện đại. Tranh thủ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh. Sao cho kích thích khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học phát triển mạnh. Nhất là người học lại đang hoặc sẽ là các cán bộ lý luận chính trị và truyền thông của Đảng, Nhà nước ta.
Song, dù là sử dụng phương pháp truyền thống hay hiện đại, cần xác định rõ nghề dạy học đòi hỏi kết hợp hài hòa tính khoa học và nghệ thuật. Giảng viên đào tạo cán bộ lý luận chính trị và truyền thông trước hết nên là nhà chính trị, nhà khoa học chính trị và cần có phong cách sư phạm đạt đến trình độ kỹ năng, kỹ xảo và nghệ thuật được thể hiện bằng một tâm hồn nghệ sĩ, mới có thể đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp.
Hồ Chí Minh từ lâu đã là đối tượng của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật. Đã có nhiều sáng tác về Hồ Chí Minh rất thành công, đi sâu vào lòng người Việt Nam. Những đoạn phim hay, những bức ảnh đẹp, Những bài thơ hay, những bài hát hay về Hồ Chí Minh nếu được chọn lọc, sử dụng đúng chỗ, đúng lúc, sát với nội dung bài giảng, có giá trị nâng cao hiệu quả bài giảng. Bài giảng lôi cuốn, hấp dẫn người học hơn. Người học hiểu sâu, dễ nhớ tư tưởng Hồ Chí Minh hơn. Bởi “Trăm nghe không bằng một thấy”.
Giống như khi sử dụng phương pháp truyền thống, Sử dụng phương pháp và phương tiện hiện đại trong giảng dạy cũng có người làm hay và cũng có người làm dở. Không phải cứ sử dụng cái hiện đại là thành công, mà vấn đề là khả năng, tài năng thực sự của người dạy sử dụng các phương pháp và phương tiện hiện đại. Cái tài năng ấy không phải ở trên trời rơi xuống mà là kết quả của công phu học tập và rèn luyện lâu dài trong thực tế giảng dạy.
6- Giáo dục, cổ vũ thái độ, động cơ người học làm theo lời khuyên của Hồ Chí Minh về nghiên cứu, học tập lý luận.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy cần được kết hợp với đổi mới phương pháp học tập của người học. Ở đây, chỉ xin nêu một trách nhiệm của các thày cô giáo là cần giáo dục, cổ vũ thái độ, động cơ người học làm theo lời khuyên của Hồ Chí Minh về nghiên cứu, học tập lý luận. Người học cần có động cơ thái độ học tập tốt, kết quả học tập mới tốt.
Cán bộ lý luận chính trị và truyền thông học tập tư tưởng Hồ Chí Minh muốn có hiệu quả, dứt khoát cần tự trả lời và thực hiện đúng 3 câu hỏi của Hồ Chí Minh đặt ra: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Học thế nào?.
Thấm nhuần triết lý giáo dục lý luận Hồ Chí Minh: học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phục vụ Đảng, Nhân dân, tổ quốc và nhân loại sẽ có động cơ, thái độ học tập đúng đắn và cao thượng.
Còn Học thế nào? là vấn đề phương pháp. Hồ Chí Minh chỉ rõ:
Một là: lý luận liên hệ với thực tế, học đi đôi với hành. Nghĩa là:
“Học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch.
Không phải học để thuộc lòng từng câu từng chữ.’’7 Hoặc học chỉ cốt để có đủ bằng cấp theo tiêu chuẩn hóa cán bộ.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là hoc tập tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình của Hồ Chí Minh. Học tập những chân lý trong tư tưởng Hồ Chí Minh để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh của mình.
Hai là: “Phải khiêm tốn thật thà. Trong Đảng ta trình độ lý luận còn thấp kém, không ai có thể tự xưng là mình giỏi lý luận”8. Hiện nay, cũng không ai có thể tự nhận mình là giỏi, nắm vững toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh rồi, không cần tiếp tục học tập nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nữa.
Ba là: “Phải tự nguyện tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được”9.
Bốn là: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề gì chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ”10.
Năm là: “Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hòa”4.
Sáu là: ”Phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau học tập, mạnh dạn phê bình và tự phê bình và khi phê bình, tự phê bình thì phải xuất phát từ ý muốn đoàn kết, để đạt đến đoàn kết mới trên cơ sở mới”11
7- Phong cách thầy giáo giảng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhà giáo nổi tiếng Peter flene cho rằng, muốn trở thành nhà giáo thành công phải trả lời được một câu hỏi cốt yếu nữa: ”Đâu là mẫu hình người giảng viên mà bạn muốn trở thành”12.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ:
“Người thày giáo tốt-Thày giáo xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”13. Nhiệm vụ của cô giáo, thày giáo là rất quan trọng và vẻ vang. Cô giáo, thầy giáo cần phải có chí khí cao thượng. Có tài có đức, trong đó đạo đức là gốc.
Cái gốc đạo đức tốt làm nên những thầy giáo tốt. Họ là những người giúp học viên học tập thành công, để lại dấu ấn, ảnh hưởng lâu dài trong tâm trí nhiều thế hệ học viên. Giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh là trực tiếp góp phần vào sự nghiệp trồng người, nên chữ Tâm, chữ Đức cực kỳ quan trọng. Có Tâm, có Đức, thầy giáo tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự đóng góp một cách thiết thực cho cuộc đời bằng việc giáo hóa đạo đức và sự bình an nội tâm cho các cán bộ, Đảng viên và nhân dân.
Để đạt được điều đó, chúng ta phải tu dưỡng và học rất nhiều trong suốt cả cuộc đời mình. Học và cần cù chịu khó thực hành để chuyển hóa tâm hồn mình trở nên thanh cao, thánh thiện. Chúng ta phải học để tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực, hiểu biết mọi mặt, còn việc bằng cấp, danh hiệu là hệ quả tự nhiên phải đến chứ không phải mục tiêu chính.
Việc tu dưỡng, phấn đấu ấy âm thầm mà vất vả, chỉ có chính mình và Trời biết, ngoài ra không mong có ai biết để khen ngợi hay khuyến khích. Chính vì vậy chỉ những ai có thiện tâm sâu dày, yêu nghề và tự giác rất cao mới có thể tự nguyện hằng ngày hằng giờ tu dưỡng, học hỏi không ngừng.
Phong cách của người thầy giáo đắc đạo Hồ Chí Minh, phải chăng cũng có nét giống vị chân Nho và người Mác xít biết làm chủ bản thân mình, sống với đồng chí, đồng nghiệp có nghĩa, có tình, ung dung, điềm đạm, hiền lành, vui vẻ, chân thành và giản dị.
Muốn phát huy tác dụng những đạo lý Hồ Chí Minh mà ta thuyết giảng, trước hết cần chúng ta cần bắt đầu từ chính tâm mình. Chúng ta không nên sốt ruột khi thấy trong dư luận xã hội có ý kiến cho rằng, học thì dễ, nhưng làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì khó. Nhiều ngày tháng tu dưỡng đạo đức và tài năng, khiến ta sẽ đến ngày có nội lực thuyết phục rất cao với những người học chân chính. Khi đó mỗi lời Hồ Chí Minh ta truyền đạt sẽ có đạo lực “nặng như núi, mạnh như bão tố, cuốn hút như xoáy nước sâu khiến nhiều người phải thức tỉnh và làm theo’’.
Phong cách một người thầy chân chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh thường chân thành, khiêm hạ, tự nhiên, ít tự đề cao mình, dù có trí tuệ sâu sắc cũng cẩn thận không chê bai người mà chỉ như người anh hùng vô danh giữa đời thường sôi động.
KẾT LUẬN
Trên đây là một chút suy nghĩ và trải nghiệm của tôi trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh. Xin mạnh dạn chia sẻ cùng cuộc Hội thảo Phát huy di sản Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đào tạo cán bộ lý luận chính trị và truyền thông của Học viện Báo chí Tuyên truyền, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Xin cảm ơn các đồng nghiệp!
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp./.
Hà Nội, ngày 31/3/2010 CHÚ THÍCH:

1 Peter flene: Niềm vui dạy học, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr 27.

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, T8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 138.

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 226.

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 492.

5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 684.

6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, T8, S.đd, tr 500.

7 Hồ Chí Minh: Toàn tập,T8, Sđd, tr.497.

8 Hồ Chí Minh: Toàn tập,T8, Sđd, tr 499.

9 Hồ Chí Minh: Toàn tập,T8, Sđd, tr 499.

10 Hồ Chí Minh: Toàn tập,T8, Sđd, tr 500.

11 Hồ Chí Minh: Toàn tập,T8, Sđd, 500.

12 Peter flene: Niềm vui dạy học, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr 27.

13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, T11, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 331.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét