Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

PGS,TS Nguyễn Thế Thắng: TTHCM ve PTLĐCĐ

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ
PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

PGS,TS Nguyễn Thế Thắng

Từ khi chuẩn bị thành lập Đảng đến khi sáng lập Đảng ta, sau đó, trở thành Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta, Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ yếu trong hoạch định đường lối của Đảng, đồng thời đề ra những nội dung lãnh đạo của Đảng và phương thức lãnh đạo của Đảng.
Có điều sinh thời, Hồ Chí Minh thường dùng cụm từ: “Cách lãnh đạo”, “cách tổ chức” các loại tổ chức chính trị và các đoàn thể nhân dân do Đảng lãnh đạo. Truy tìm nghĩa từ CÁCH trong các Từ điển Hán Việt hoặc Từ điển Tiếng Việt, CÁCH có nghĩa là phương thức, hoặc phương thức diễn ra hành động. Ngày nay, Đảng ta dùng khái niệm Phương thức lãnh đạo của Đảng chính là sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cách lãnh đạo của Đảng.
1- Đảng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo toàn xã hội thông qua đề ra cương lĩnh, đường lối đúng đắn, sáng tạo và làm cho cương lĩnh, đường lối đó thấm sâu trong toàn Đảng, toàn dân.
Khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1930, trong Sách lược vắn tắt của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh vạch rõ Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản. Đảng phải thu phục được đại bộ phận giai cấp mình, làm cho giai cấp mình lãnh đạo được toàn thể dân chúng.
Để lãnh đạo được cách mạng, giành chính quyền, Đảng phải thu phục được không chỉ giai cấp công nhân, mà cần phải thu phục, lôi kéo tất cả các giai tầng, các giới khác trong xã hội như: nông dân, trí thức, trung tiểu địa chủ, tư sản dân tộc, tiểu tư sản, thanh niên, phụ nữ, học sinh, binh lính,v,v đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam để đấu tranh cho mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Cái để đoàn kết, dẫn đường cho toàn thể dân chúng làm cách mạng là cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Năm 1953, tổng kết kinh nghiệm Đảng lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, lãnh đạo, chính quyền tiến hành kháng chiến kiến quốc, chuẩn bị tiến lên CNXH, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Hồ Chí Minh phân tích rõ hơn phương thức lãnh đạo của Đảng với xã hội bằng Cương lĩnh, chiến lược, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục cán bộ, Đảng viên và nhân dân.
“Đảng có Chính cương rõ rệt: Hiện nay giai cấp công nhân lãnh đạo toàn dân chống đế quốc, phong kiến, để giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ mới. Ngày sau thì tiến đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản”1.
“ Đảng cương là một văn kiện nó quy định: Tính chất của Đảng, mục đích đấu tranh và đường lối cách mạng của Đảng, phương pháp lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đảng cương là lý luận nền tảng của Đảng, Đảng dùng để lãnh đạo cách mạng. Nó đảm bảo cho chính trị thống nhất, tư tưởng thống nhất của Đảng”2.
Để thực hiện được Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hồ Chí Minh vạch rõ nhiệm vụ xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và công tác tư tưởng của Đảng trong mỗi thời kỳ.
“ Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Đảng quy định ở giai đoạn nào thì phải dựa vào lực lượng nào, đoàn kết lực lượng nào, cô lập và phân hóa lực lượng nào, để tiêu diệt kẻ thù của giai cấp, của nhân dân.
Khẩu hiệu chính trị đúng thì, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng đánh thắng kẻ thù của cách mạng.
Có khẩu hiệu chung cũng chưa đủ, Đảng còn phải căn cứ theo lợi ích của nhân nhân dân trong giai đoạn đó để động viên quần chúng, để làm mục đích và vạch đường lối cho quần chúng đấu tranh; đồng thời để huấn luyện giáo dục quần chúng”3.
Làm thế nào để có cương lĩnh, đường lối, khẩu hiệu cách mạng đúng đắn, sáng tạo?
Hồ Chí Minh cho rằng phương thức lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, đều cần theo nguyên tắc từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.
“Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống”4.
Như vậy, Cương lĩnh, đường lối của Đảng được hoàn thiện bởi sự tham khảo các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Sau đó, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải đem cương lĩnh đường lối đó tuyên truyền giải thích cho nhân dân, làm cho nó thành cương lĩnh, đường lối của nhân dân. Nhân dân tin tưởng, giữ vững cương lĩnh, đường lối đó để thi hành. Trong lúc nhân dân thi hành, Đảng xem xét lại các quan điểm, chủ trương của Đảng trong cương lĩnh, đường lối đó có đúng hay không?
“Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành”5.
Hồ Chí Minh khẳng định đó là cách làm cho đường lối quan điểm của Đảng ngày càng đúng đắn hơn. Đó là phương thức lãnh đạo cực kỳ tốt. Ngược lại, như Người chỉ rõ:
“Vì không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của những người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không hợp với thực tế”6.
2- Đảng lãnh đạo xã hội thông qua công tác tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng và hành động gương mẫu của các cán bộ, Đảng viên.
Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “kinh qua Đảng viên và các tổ chức của Đảng, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng, lãnh đạo các đoàn thể cách mạng của quần chúng”7.
Điều đó nghĩa là Đảng phải lập các tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị, giới thiệu những đảng viên ưu tú của Đảng vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị, củng cố tổ chức cơ sở Đảng và phát huy vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức Đảng với Đảng viên, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên để lôi cuốn các tổ chức và cán bộ , đảng viên, nhân dân thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Để phương thức lãnh đạo của Đảng có hiệu quả, Đảng phải làm tốt công tác cán bộ. Đảng phải có chính sách trọng dụng nhân tài, quý trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của xã hội. Người nêu ra những nguyên tắc căn bản mà Đảng cần quán triệt trong sử dụng cán bộ.
Một là: Phải hiểu biết, đánh giá đúng cán bộ, phát hiện, sử dụng đúng nhân tài, đồng thời loại trừ người biến chất thoái hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống.
Hai là: Phải cất nhắc, đề bạt cán bộ cho đúng. Thận trọng, tránh mắc sai lầm, dùng người không đúng việc. Ngay cả cán bộ có tài mà tài đó không được dùng đúng việc, thì tài đó cũng vô ích.
Ba là: Phải biết phân phối và khéo dùng cán bộ. Không phải ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Nên phải tùy tài đức mà dùng cán bộ mà bố trí làm các việc to, nhỏ khác nhau trên các lĩnh vực khác nhau của xã hội.
Bốn là: Phải giúp cán bộ cho đúng. Luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ. Biết động viên cán bộ kịp thời. Đồng thời giúp cán bộ sửa chữa những sai lầm khuyết điểm.
Năm là: Phải thương yêu, giữ gìn, bảo vệ cán bộ. Quan tâm đến điều kiện sinh sống, sức khỏe, hạnh phúc gia đình của cán bộ để họ có thể yên tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Sáu là: Cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải bao gồm đủ cả đức và tài, trong đó đức là gốc. Cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu về đạo đức, nói đi đôi với làm theo tinh thần Đảng viên đi trước, làng nước theo sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến... Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước"8. Đối với các dân tộc phương Đông nhất là ở nước ta, thì một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Đảng cầm quyền thì người lãnh đạo cấp cao, người có chức vụ càng cao phải thể hiện là tấm gương càng sáng, để cấp dưới và quần chúng noi theo, "Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo"9.
3- Tăng cường Công tác Kiểm tra và sự giám sát của nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích và ý nghĩa tác dụng của công tác kiểm tra: "Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra"10.
Theo tư tưởng của Người công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần luôn được đẩy mạnh. Đảng lãnh đạo phối hợp sự kiểm tra giám sát của Đảng, của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, của nhân dân đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị, tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước, về trách nhiệm đối với công việc và thái độ phục vụ nhân dân
Kiểm tra không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc được chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa khuyết điểm, sai lầm, chống được bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, xa rời thực tiễn, mà còn giúp cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, thúc đẩy và giáo dục cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao, nêu cao tính tiền phong gương mẫu trước quần chúng.
Người chỉ ra những khuyết điểm cần khắc phục trong công tác kiểm tra.
“Hiện nay còn có một số cấp ủy Đảng coi nhẹ và không chú ý lãnh đạo công tác kiểm tra. Thậm chí có ủy viên tỉnh và huyện cho công tác kiểm tra là “vạch lá tìm sâu”, làm giảm thành tích của địa phương mình,v,v. Đó là thành kiến sai lầm, cần phải sửa chữa…
Công tác kiểm tra còn bị động và nặng về giải quyết những vụ vi phạm kỷ luật trước mắt, chưa chủ động về việc giải quyết toàn diện vấn đề giữ gìn kỷ luật và chấp hành điều lệ của Đảng, để nâng cao ý thức của đảng viên và cán bộ một cách căn bản và lâu dài
Việc xử lý kỷ luật, xét thư khiếu nại làm còn chậm chạp. Kiểm tra đảng viên phạm sai lầm còn chưa chủ động. Việc hướng dẫn vận dụng phương châm kỷ luật chưa được chặt chẽ, để cho kỷ luật đảng có chỗ bị buông lỏng, vì vậy mà thiếu tác dụng giáo dục và ngăn ngừa đảng viên khỏi phạm kỷ luật”11.
Theo Người những nội dung cần phải kiểm tra là:
1-Năng lực, phẩm chất tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên.
2- Hoạt động của cơ quan đảng, Nhà nước có đúng với Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Đảng không?
3- Ưu điểm, khuyết diểm của các chủ trương, chính sách, mệnh lệnh và các nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước.
Tham gia và kiểm tra các lĩnh vực đó có các lực lượng: Lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước; Bộ máy kiểm tra, kiểm sát, thanh tra của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm tra; Quần chúng nhân dân. Trong các lực lượng nói trên, kiểm tra của quần chúng nhân dân là kiểm tra từ dưới lên, kiểm tra tại chỗ, kiểm tra trong thực tiễn, kiểm tra thường xuyên có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và bộ máy Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh.
4- Đổi mới lề lối và phong cách làm việc của Đảng và cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ:
“Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng. Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”.
Trước hết mỗi cán bộ, Đảng viên cần rèn luyện phong cách làm việc kết hợp tính nguyên tắc cứng rắn với biện pháp thực hiện linh hoạt mềm dẻo, để có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, hoàn thành được mọi nhiệm vụ trong một thế giới đầy biến động khó lường với tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Cán bộ đảng viên cần có phong cách làm việc kết hợp tính nhiệt tình cách mạng với tính khoa học. “ Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”. Say mê, tận tụy với công việc, nhưng đồng thời phải có hiểu biết lý luận, khoa học, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ. Vì nếu chỉ có nhiệt tình mà dốt nát sẽ thành kẻ đại phá hoại.
Cán bộ, đảng viên cần kết hợp cách làm việc dân chủ tập thể với tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cá nhân cao độ. Biết phát huy trí tuệ tập thể, đồng thời dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, đơn vị, địa phương mình lãnh đạo, quản lý để quyết định những công việc quan trọng ích nước lợi dân trong những thời điểm then chốt. Có vậy, tập thể, đơn vị, địa phương mới có thể tiến lên. Quyết đoán đúng thời cơ cực kỳ quan trọng:
“Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công”.
Cán bộ, Đảng viên cần có phong cách làm việc có tính quần chúng, sâu sát cơ sở, thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân. Để có thể dẫn dắt, lãnh đạo, quản lý quần chúng, cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe, tin tưởng, học hỏi quần chúng nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải phấn đấu làm cho dân tin, dân phục , dân yêu và biết dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân thì có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ cách mạng.
* *
*
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Để giữ vai trò lãnh đạo chính quyền, Đảng phải chống được những nguy cơ dẫn đến suy yếu và mất vai trò lãnh đạo của một Đảng cầm quyền. Đó là chống được nguy cơ sai lầm về đường lối. Chống được sự thoái hóa biến chất trong đội ngũ cán bộ Đảng viên, để thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là tấm gương tiêu biểu trong xã hội về đạo đức và văn minh. Muốn vậy, một điều căn bản phải được thực hiện như trong Di chúc Người căn dặn:
“Mỗi cán bộ đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cáh mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”12.
Hà Nội, tháng 12-2010

CHÚ THÍCH:
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 230.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7,S. đ.d. tr 236.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7,S. đ.d. tr 232.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 290.
5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 290-291.
6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 291.
7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7,S. đ.d. tr 232-233.
8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 552.
9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 253.
10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 521.
11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 300-301.
12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 510.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét