Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Một số quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về thi đua, khen thưởng

29-01-2012 PGS,TS Nguyễn Thế Thắng Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực I Thi đua, cạnh tranh và công tác khen thưởng là những vấn đề lớn trong lý luận, thực tiễn. Nó đã được các nhà kinh điển bàn đến từ lâu và được Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng ta vận dụng sáng tạo. Tuy nhiên, cũng có lúc tổ chức thi đua, khen thưởng bị buông lỏng, dẫn đến sự xuất hiện của bệnh phô trương, hình thức v.v.. Vì vậy, việc nghiên cứu, quán triệt những quan điểm lý luận đúng đắn, sáng tạo về vấn đề này nhằm tạo sức mạnh mới cho công tác thi đua, khen thưởng hiện nay là rất cần thiết. Một số quan điểm cơ bản của C. Mác, Ph. Ăng- ghen về thi đua và cạnh tranh Trong tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học, trả lời cuốn ‘Triết học về sự khốn cùng’ của ông Pru-đông”, C.Mác đã chỉ ra cách hiểu chưa đầy đủ của Pru-đông về mặt tích cực và tiêu cực của cạnh tranh; và rằng, mong muốn của ông ta thủ tiêu cạnh tranh bằng pháp lệnh là ảo tưởng. C.Mác cho rằng, mặc dù gây nhiều hậu quả tiêu cực, song cạnh tranh là một động lực phát triển trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Bởi “đối với lao động, cạnh tranh có ý nghĩa trọng yếu như phân công vậy... Nó cần thiết cho việc thiết lập sự bình đẳng”. Đồng quan điểm với C.Mác, Ph. Ăng-ghen chỉ rõ gốc rễ của cạnh tranh là chế độ tư hữu, điều đó cũng có nghĩa là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hãy còn thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa, thì cạnh tranh vẫn tồn tại cùng với sự xuất hiện thi đua. Cạnh tranh có nhiều tiêu cực, song không thể thủ tiêu cạnh tranh bằng mệnh lệnh. Trong khi cạnh tranh còn tồn tại, cần phải xây dựng chế độ mới với động lực thúc đẩy mới - đó là thi đua. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, thi đua tất yếu ra đời, dần dần thay thế cạnh tranh. C.Mác đánh giá cao vai trò của sự hiệp tác trong lao động, bởi nó tạo ra sức mạnh tập thể lớn hơn sức mạnh của từng lao động cá nhân cộng lại. Thi đua được nảy nở trong quá trình hợp tác lao động, trong hoạt động chung và có kế hoạch của nền sản xuất hiện đại. Sự tiếp xúc xã hội đã tạo ra thi đua và làm tăng năng suất lao động của người công nhân. Những quan điểm cơ bản của C.Mác, Ph. Ăng-ghen về cạnh tranh và thi đua đã đặt nền tảng tư tưởng về tổ chức thi đua trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong chế độ xã hội chủ nghĩa tương lai. Một số quan điểm cơ bản của V.I.Lê-nin về thi đua xã hội chủ nghĩa và khen thưởng Tiếp tục chỉ ra sự khác nhau về bản chất giữa cạnh tranh trong chủ nghĩa tư bản và thi đua trong xã hội chủ nghĩa, V.I.Lê-nin đã chỉ ra rằng thi đua có tính tự phát trong quá trình hiệp tác lao động có “sự tiếp xúc xã hội” của con người sẽ thay đổi về chất trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Thi đua và cạnh tranh là động lực phát triển kinh tế, song, thi đua hơn hẳn cạnh tranh ở tính nhân đạo vì sự phát triển toàn diện của xã hội và con người. Nhiệm vụ của Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô viết là phải tổ chức các phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa để phát huy tính tháo vát, tinh thần thi đua, óc sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân trên quy mô thật sự to lớn. Phải đưa những cán bộ ưu tú vào tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua. Chính trong quá trình tổ chức, phát động phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô viết sẽ phát hiện ra những nhân tài thực sự để đề bạt vào những chức vụ cao trong bộ máy quản lý của Nhà nước. Xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước tư bản chủ nghĩa có trình độ phát triển trung bình, để phát triển kinh tế - xã hội, V.I.Lê-nin cho rằng: Tổ chức thi đua phải chiếm một địa vị quan trọng trong số những nhiệm vụ kinh tế của chính quyền Xô-viết. Tổ chức thi đua có nghĩa là có thể tìm ra con đường đúng đắn nhất, tiết kiệm nhất để cải tổ chế độ kinh tế của nước Nga. Đi theo phương hướng của V.I.Lê-nin đã chỉ ra, Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô-viết hết sức chú trọng tổ chức các phong trào thi đua gọi là Thi đua xã hội chủ nghĩa trong quá trình xây dựng nên một siêu cường trên thế giới là Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết. Khái niệm Thi đua xã hội chủ nghĩa trong quan điểm của V.I.Lê-nin là một hình thức hợp tác giữa người với người, góp phần phát triển năng lực của con người, phát triển của tính chủ động sáng tạo của nhân dân lao động và của chế độ dân chủ trong xã hội mới. Thi đua xã hội chủ nghĩa, ra đời trên cơ sở lao động tập thể, trên cơ sở những quan hệ tương trợ và hợp tác, đoàn kết theo tinh thần đồng chí, nhằm giúp đỡ những người lạc hậu dần dần tiến lên ngang những người tiên tiến, nâng cao trình độ văn hóa và trình độ sinh hoạt tinh thần của mọi người. V.I.Lê-nin coi thi đua là đòn bẩy mạnh mẽ của tiến bộ kinh tế - xã hội, là trường học giáo dục chính trị lao động và đạo đức cho nhân dân lao động. Chức năng chủ yếu của thi đua xã hội chủ nghĩa là chức năng kinh tế: nâng cao hiệu suất của sản xuất xã hội, đạt những kết quả cuối cùng cao nhất của nền kinh tế quốc dân, đạt năng suất lao động cao hơn, tổ chức lao động một cách khoa học v.v.. Việc tổ chức thi đua xã hội chủ nghĩa có xét đến đặc điểm các loại lao động, lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích nghề nghiệp của người lao động. Trong thế giới hiện đại, thi đua xã hội chủ nghĩa không tách rời cách mạng khoa học - công nghệ mà bao trùm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Vì thế, thành phần xã hội của những người tham gia thi đua cũng trở nên đa dạng. Mô hình của Liên Xô trước đây được xem là một thí dụ điển hình trong việc tổ chức các phong trào thi đua khen thưởng. Thi đua xã hội chủ nghĩa đã thực sự là một động lực thúc đẩy Liên Xô phát triển thành một siêu cường trên thế giới. Đến khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở đó bị lâm vào khủng hoảng, thì cũng là lúc, thi đua xã hội chủ nghĩa bị xem thường và trở nên hình thức, sinh ra nhiều tiêu cực. Đây được xem như một bài học đối với việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng ở nước ta hiện nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và khen thưởng Vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về thi đua, thi đua xã hội chủ nghĩa vào hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm về thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Người coi tổ chức thi đua yêu nước là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước tiềm tàng trong mỗi người dân Việt Nam, biến nó thành sức mạnh, thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong bảo vệ Tổ quốc. Người khẳng định: hễ là người Việt Nam yêu nước thì phải thi đua, thi đua là yêu nước. Thi đua là một cách yêu nước thiết thực nhất. Những người thi đua là những người yêu nước nhất. Thi đua phải có mục đích, mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Phải làm cho mọi người tự nguyện, tự giác tham gia phong trào thi đua ái quốc. Đảng, Chính quyền, các đoàn thể nhân dân phải có những tổ chức chịu trách nhiệm lập kế hoạch, vận động, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết phong trào thi đua. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 200 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề thi đua ái quốc và khen thưởng. Thông qua các sắc lệnh, chỉ thị, lời kêu gọi, thư, nói chuyện, Người đã có sự lãnh đạo, tổ chức, điều khiển các phong trào thi đua ái quốc ở tầm vĩ mô đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đồng thời, Người cũng có những sự chỉ đạo, lời khuyên cụ thể, trực tiếp với các ngành, các giới, các địa phương và nhiều tập thể, cá nhân, làm cho các phong trào thi đua yêu nước được duy trì thường xuyên, liên tục phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực thúc đẩy kháng chiến, kiến quốc thành công. Người chỉ rõ: nghệ thuật tổ chức lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước biểu hiện ở việc đề ra được tên phong trào với những khẩu hiệu hành động, tuyên truyền sắc bén, sát đúng với tình hình và nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân, phù hợp với yêu cầu thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Cần phải biết sử dụng mọi hình thức tuyên truyền giải thích động viên tinh thần trong toàn Đảng, toàn dân. Cán bộ, đảng viên phải là những người hăng hái tích cực vận động quần chúng tham gia thi đua và cùng họ xung phong đi đầu làm gương cho mọi người trong phong trào thi đua yêu nước. Phát hiện điển hình, nêu gương khen thưởng. Phổ biến những điển hình, tấm gương cá nhân, tập thể và những kinh nghiệm trong phong trào thi đua.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng,
chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (30-12-1966).
Thi đua mà không khéo lãnh đạo, tổ chức, điều khiển thì thường nảy sinh chia rẽ, ganh tỵ, tức tối nhau, ghét bỏ nhau, lại có thể làm những người tham gia thi đua kiệt sức, mất dẻo dai và bền bỉ. Tránh hiện tượng các cá nhân, tập thể tham gia thi đua mà chia rẽ, bản vị, chỉ biết mưu lợi ích cho địa phương mình, công việc mình mà không ngó đến lợi ích của nơi khác và cả nước. Lại phải tránh phí phạm sức lực của những người tham gia thi đua. Tránh tư tưởng anh hùng cá nhân, vì thành tích cá nhân. Cấp ủy Đảng trên chỉ thị cho cấp dưới phải cụ thể, thiết thực, nhưng không nên máy móc, hẹp hòi, để ý lỗi nhỏ nhặt. Phải để cho cấp dưới có sáng kiến. Chỉ thị của cấp trên là chỉ thị chung. Các địa phương nhận được chỉ thị của cấp trên, phải đem ra thảo luận, tự đặt ra kế hoạch cho sát với hòan cảnh của mình. “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”. Phải chống bệnh quan liêu, bàn giấy trong tổ chức phong trào thi đua. Người cũng chỉ ra sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời lại có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”. Nhà nước thưởng phạt nghiêm minh là nhà nước mạnh. Người nói: thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Người rất quan tâm đến việc biểu dương và phát huy sức mạnh của những tấm gương “Người tốt, việc tốt” bằng cách kịp thời khen thưởng, động viên khuyến khích bằng vật chất hoặc tinh thần nhằm phát triển cái tốt để lấn át cái xấu, nhằm xây dựng con người mới, làm cho xã hội ngày một tiến bộ. Khen thưởng sai sẽ kìm hãm thi đua thực sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng phải lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước. "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng". Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị, các ngành, các địa phương, các Đoàn thể đều đẩy mạnh phong trào thi đua đạt được những thành tích xứng đáng, tạo thành các cao trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cả nước, qua các giai đoạn cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam từ đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Một số quan điểm của Đảng ta về thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời kỳ đổi mới Những tư tưởng đổi mới về thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của Đảng ta thể hiện rõ trong các Chỉ thị 35 ngày 3-6-1998, Chỉ thị 39 ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị và trong Kết luận số 83 của Ban Bí thư ngày 30-8-2010, trong đó, Đảng ta khẳng định cần tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh coi thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay; coi thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Các phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và cơ sở, có mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực. Dấy lên phong trào thi đua sôi nổi nhằm phát huy cao độ tính tích cực trong mọi ngành, mọi giới, các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, các thành phần kinh tế, rộng khắp trong cả nước, tạo ra động lực tinh thần, vật chất mới hăng hái, tham gia lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần kiệm sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng ta cũng chỉ rõ, cần kịp thời tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, tập trung chỉ đạo phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để cổ vũ, động viên mọi người học tập và làm theo phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tạo không khí phấn khởi trong đời sống xã hội”. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức thi đua khen thưởng; kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng. Thi đua gắn liền với các hình thức khen thưởng phù hợp với điều kiện đất nước, động viên kịp thời, đúng người, đúng việc, hướng về cơ sở và người lao động. Thực hiện khen thưởng trên nguyên tắc: chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Khen thưởng phải bảo đảm thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. Chống lại hiện tượng báo cáo thành tích không chính xác, khen thưởng không đúng người, đúng việc. Nâng cao trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội với phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua. “Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thi đua khen thưởng”. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy công tác thi đua khen thưởng từ trung ương đến cơ sở, gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Gắn phong trào thi đua, yêu nước với cuộc vận động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cần phân tích tìm ra nguyên nhân của việc coi nhẹ, buông lỏng công tác thi đua, khen thưởng ở một số nơi, một số lúc. Tập trung làm rõ nguyên nhân từ phía lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác này và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và các cơ quan chuyên trách làm tham mưu cho các cấp ủy Đảng và chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng. Qua tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, trong Kết luận số 83, ngày 30-8-2010, Ban Bí thư Trung ương chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong công tác thi đua, khen thưởng. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, làm hạn chế động lực. Việc khen thưởng còn tràn lan, nhiều nơi còn cào bằng, chưa kịp thời, chưa chính xác, có biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong suy tôn, bình xét khen thưởng; không ít trường hợp vận dụng khen thưởng chưa đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, nặng về thành tích, chất lượng không bảo đảm, thủ tục hành chính phức tạp, thẩm định hồ sơ khen thưởng chưa sát, thiếu chặt chẽ; một số tập thể, cá nhân được khen thưởng ít có sức lan tỏa và nêu gương trong cuộc sống. Hiện nay, những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta, nâng cao trách nhiệm, hết lòng hết sức tổ chức, lãnh đạo và đi đầu tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thi đua khen thưởng, kết hợp chặt chẽ thi đua và khen thưởng, mang lại cho phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và công tác thi đua khen thưởng một khí thế mới, để thi đua khen thưởng thực sự là một động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện được điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ chí Minh là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./. Theo tạp chí Cộng sản Cập nhật lúc: 16:58' 23/1/2012 http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2012/14535/Mot-so-quan-diem-co-ban-cua-chu-nghia-Mac-Lenin.aspx http://tutuonghochiminh.vn/cmvn/mot-so-quan-diem-co-ban-cua-chu-nghia-mac-le-nin-tu-tuong-ho-chi-minh-va-dang-ta-ve-thi-dua-khen-thuong.d-604.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét