Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MỘT TẤM GƯƠNG BÌNH DỊ MÀ CAO QUÝ


17-06-2012

PGS,TS Nguyễn Thế Thắng

Ai được tiếp xúc với Hồ Chí Minh hầu như đều có ấn tượng mạnh mẽ về sức hút mãnh liệt, sự lôi cuốn và sức thuyết phục lớn lao toát ra từ nhân cách của Người. Tại sao lại như vậy?

Theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng quan sát và nhận định:

“Bình sinh Hồ Chủ tịch rất giản dị, lão thực. Vĩ nhân, thật vĩ nhân bao giờ cũng giản dị, lão thực. Đã cầu kỳ là thiếu bản lính, cố làm trò để đánh lừa thiên hạ và hậu thế”.

“Vĩ nhân” hay”Thiên tài”, hoặc “Lãnh tụ vĩ đại” đều là sự tôn vinh của dân ta và nhân loại đối với Người, bởi những cống hiến vĩ đại của Người cho dân tộc và nhân loại. Theo lẽ phải thông thường, những phẩm chất tốt đẹp, chất lượng cao của con người vẫn được hàm chứa thể hiện trong những hình thức nổi bật, phong cách khác thường, xuất chúng. Nhưng, vượt lên trên sự thông thường đó, trong đời sống hiện thực, Hồ Chí Minh sống làm việc với các cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ với một phong cách bình dị nhất. Sự khác thường ở Người chính là những phẩm chất cao đẹp đến mức vĩ đại thì lại trở nên bình thường, giản dị và gần gũi nhất đối với con người. Cái vĩ đại đi liền với sự giản dị, trở thành bình dị mà cao quý. Bởi trong phong cách khiêm nhường, giản dị Hồ Chí Minh chứa đựng cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí mẫn tiệp, cái hành mực thư­ớc- Phong cách của một lãnh tụ đồng thời là Nhà văn hoá kiệt xuất- Một nhân tố có tính quyết định làm nên uy tín lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, tạo nên niềm tin của nhân dân với Người.


Sau gần 30 năm sống, hoạt động ở nước ngoài, trong đó từng có thời gian sống hoạt động khá lâu tại 5 cường quốc thế giới là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, song khi trở về nước, Người vẫn giữ phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam với ham muốn cháy bỏng là mở đường cho dân tộc có thể tiến lên sánh vai cùng với các cường cuốc năm châu. Sống nhiều ở nước ngoài, biết nhiều ngoại ngữ, khiến Người không chỉ kế thừa cái ý nhị trong ngôn ngữ của dân quê và kẻ sĩ Việt Nam, mà còn làm cho nó trong sáng, phong phú hơn lên với những nội dung tư tưởng, văn hoá hết sức mới mẻ, tiên tiến và hiện đại. Lời kêu gọi, văn thơ của Người không chỉ là tiếng nói hào hùng của núi sông Việt Nam, phảng phất hương vị ca dao, tục ngữ người Việt mà còn có những chân lý lớn của thời đại dưới dạng những châm ngôn và minh triết như: Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Còn trong giao tiếp thường ngày với nhân dân, thái độ, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh thân thiết như đối với người trong gia đình. Trong một dịp tết Người đến thăm nhà chị Chín làm công nhân khuân vác ở Văn Điển. Chị Chín vô cùng ngạc nhiên khi thấy Chủ tịch nước đến thăm nhà một người dân nghèo túng như mình. Song, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:

“Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai!”.

Đây thực sự là một bài học về sự quan tâm của Lãnh tụ Đảng, Nhà nước với người dân nghèo.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể rằng lối ăn, ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất giản dị. Lúc ở chiến khu, Người sống chung với anh em trong một cơ quan, làm việc, học tập, ăn ở, sinh hoạt đều như anh em. Người thích đi bộ, tắm sông, hút thuốc lá và thỉnh thoảng uống một ly rượu thuốc trong bữa cơm. Lúc ở rừng, Hồ Chí Minh chủ trương tránh ăn no, không ngủ trưa và vận động nhiều. Buổi sáng thể dục, buổi chiều làm vườn, lúc cần thì đi vác củi cho đồng bào. Trong suốt thời gian ở thượng du Bắc Bộ trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, nhiều ngày Người luôn tay nắn một hòn đá tròn bầu dục, cốt để luyện gân tay và hoạt động cơ thể. Người ít thích dùng thuốc, chỉ lúc nào sức cơ thể chống không nổi bệnh thì mới dùng. Khi về Hà Nội, Chủ tịch nước có phòng làm việc, phòng tiếp khách, nhiều khi chủ tọa những bữa tiệc long trọng, nhưng bình thường ngày hai bữa, Chủ tịch nước cùng nhân viên đều ăn chung. Nhiều lần, vì đến quá trễ, thức ăn không còn gì, Hồ Chí Minh vẫn vui cười ăn đủ mấy bát cơm như thường lệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người giản dị, đồng thời cũng là người lịch sự một cách thanh tao cao quý. Những người ngoại quốc có dịp tiếp chuyện Hồ Chí Minh đều ca ngợi cái phong độ thanh tao cao quý của Người. Trong phong cách đó, vừa có nét đặc sắc của văn hoá Phương Đông mà cũng không hề xa lạ với văn hoá Phương Tây, là sự kết hợp hài hoà cái tinh tuý của Phương Đông với cái tinh hoa của Phương Tây.

Từ năm 1923, khi nhà thơ, nhà báo Nga Ô-xíp Man-đen-xtam gặp Nguyễn Ái Quốc lúc đó 33 tuổi, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, từ Pháp sang Nga hoạt động, đã có nhận xét rằng:

“Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang toả ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị…Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai…Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”1.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh Giôn Gô-lan có nhận xét sau khi làm việc với Chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh rằng:

“Được gặp gỡ và nói chuyện với đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ tỏ ra mình là một con người vĩ đại. Mặc dầu có những trọng trách phải gánh vác, Người vẫn thân ái, nhiệt tình và sôi nổi làm cho bạn cảm thấy thoải mái”2.

Tìm hiểu cả cuộc đời Hồ Chí Minh, Nhà nghiên cứu Ê-len Tuốc-me-rơ, trong tác phẩm Trở thành người Bác như thế nào? xuất bản ở Béc-lin, Đức, đã viết:

“Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình mình… Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lê-nin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”.

Là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh có quyền hưởng thụ vật chất theo vị thế tối cao của mình, nhưng Người đã thắng bản năng hưởng thụ thường có của con người nhất là khi có chức lớn, quyền to lâu dài, tự tránh xa đặc quyền, đặc lợi, sống một đời hết sức bình dị. Một đời sống Cần kiệm liêm chính, Chí công vô tư thực sự như Người cho đến nay hiếm có ai thực hiện được, Người trở thành công bộc số 1 tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân. Người từng tâm sự Chủ tịch của một nước nghèo nên không thể có một cuộc sống khác. Người vượt qua những ham muốn thông thường ở con người, kiên cường tranh đấu để mưu cầu độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, dân chủ, tự do, hạnh phúc cho toàn dân ta.

Năm 1954, từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, Người không lên ở trên ngôi nhà lớn hoành tráng, sang trọng vốn là Phủ toàn quyền Đông Dương trước đây, mà chỉ chọn ở trong ngôi nhà nhỏ cấp 4 tầm thường của người thợ điện suốt 4 năm trời. Đến năm 1958, khi hầu hết cán bộ của ta đã có nhà ở theo tiêu chuẩn cấp bậc, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh vẫn sống trong ngôi nhà của người thợ điện. Bộ Chính trị quyết định xây nhà cho Người. Khi đồng chí Trưởng đoàn của Công ty 590 của Quân đội được Trung ương giao nhiệm vụ xây nhà cho Chủ tịch nước, trình Người bản thiết kế. Xem Bản thiết kế, Người hỏi;

Các chú xây nhà cho ai ở? Đồng chí Trưởng đoàn thưa:

Xây nhà cho Bác ở ạ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

Các chú làm nhà to các chú ở. Làm nhà cho Bác làm nhỏ thôi.

Thế là phương án xây biệt thự cho Người không thành. Khi Người đi công tác, một ngôi nhà sàn bằng gỗ mộc bình thường đã được dựng lên. Tầng trên chỉ có 2 phòng, mỗi phòng hơn 9m2. Một phòng ngủ, một phòng làm việc. Tầng dưới kê một bộ bàn nhiều ghế để thỉnh thoảng Chủ tịch Đảng họp Bộ Chính trị, hoặc tiếp các cháu thiếu nhi. Ngôi nhà sàn nhỏ đó không nổi tiếng nguy nga tráng lệ như nhiều dinh thự của các vua chúa hoặc nguyên thủ quốc gia, nhưng nó lại sống mãi trong lòng mỗi người tới thăm. Vì chính ngôi nhà người ở là hiện thân của cuộc sống bình dị, của đức tính bình dị mà cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Xan-va-đo Xa-phích Ho-rê-hơ Ha-den nhận xét rằng:

“Vào thăm ngôi nhà sàn của Người, tôi càng cảm thấy đồng chí Hồ Chí Minh như vẫn sống. Từng chi tiết nhỏ cũng như toàn bộ ngôi nhà đều ánh lên sự thông thái của Người và còn nguyên dấu vết cuộc đời của một con người đầy tình yêu nhân dân, đầy yêu thương con trẻ, dào dạt tình yêu Tổ quốc, yêu thương người lao động, yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Ngôi nhà nhỏ bé giản dị của Bác Hồ chứa đựng một bài học hùng hồn và rõ ràng về đức tính khiêm tốn cách mạng, trí thông minh, bình tĩnh, phục vụ nhân dân và sự nghiệp giải phóng, kiên quyết lên án mọi biểu hiện sùng bái cá nhân”3.

Thực ra việc học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là không thể làm được. Người Việt Nam nào cũng hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người bình dị và cao quý. Người bình dân mộc mạc lại còn hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh dễ hơn người khác để có thể học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Song, nhân dân kỳ vọng Đội ngũ cán bộ, Đảng viên, mà trước hết là những người lãnh đạo, quản lý từ cao cấp nhất trở xuống đi đầu học tập và làm theo phong cách bình dị mà cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân noi theo./.

CHÚ THÍCH





1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 478-479.

2 Báo Quân đội nhân dân, 15-11-1969.

3 Hồ Chí Minh một nhân cách hoàn hảo, NXB Công an nhân dân, 2005, tr111-112.

http://tutuonghochiminh.vn/cmvn/chu-tich-ho-chi-minh-mot-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy.d-735.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét