HỒ CHÍ MINH-MỘT TƯỢNG ĐÀI CÁCH MẠNG 08/09/2009
(ĐCSVN) – Nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Hellmut Kapfenberger đã có bài viết về cuộc đời cách mạng của Hồ Chủ tịch. Bài báo được đăng trên tờ “Nước Đức mới” số 207 ngày 5/9/2009. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Đã gần 40 năm trôi qua kể từ ngày mất của Hồ Chí Minh, nhà lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người đã chiến đấu không mệt mỏi cho quyền lợi của dân tộc và viết lên những trang mới chói lọi trong lịch sử vẻ vang của đất nước này. Ngày 19/5/1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh và cũng để ghi nhận những đóng góp to lớn của Người trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào chống chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới, Tổ chức văn hóa – khoa học – giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định vinh danh Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới của thế kỷ XX.
Cái tên Hồ Chí Minh đã trở nên hết sức quen thuộc với nhiều thế hệ thanh niên Đức trước đây nhất là trong những năm 60 của thế kỷ trước. Các cuộc biểu tình lớn của sinh viên Tây Đức và Tây Berlin năm 1968 đã hô vang khẩu hiệu “Hồ - Hồ - Hồ Chí Minh” như sự thể hiện tình đoàn kết gắn bó với nhân dân Việt Nam. Họ kêu gọi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương và yêu cầu chính phủ CHLB Đức (Tây Đức cũ) ngừng ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến này. Những năm 1960, Hồ Chí Minh là người lãnh đạo cao nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam với những đóng góp vô cùng to lớn cho phong trào cách mạng và sự nghiệp phát triển của đất nước. Tuy nhiên, khi Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đề nghị trao cho Người huân chương Sao vàng vào năm 1963, thì Hồ Chí Minh đã từ chối với lý do nước nhà vẫn còn chiến tranh và để đợi đến ngày nước nhà hoàn toàn độc lập, non sông 2 miền thống nhất thì lúc đó Người được nhận tấm huân chương này từ chính tay những đồng bào miền Nam cũng chưa muộn. Năm 1967, khi Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô muốn trao tặng Hồ Chí Minh với cương vị khi đó là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chủ tịch Đảng lao động Việt Nam Huân chương Lê nin vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp của giai cấp vô sản quốc tế nhân dịp kỉ niệm 50 năm cách mạng tháng 10 Nga thì một lần nữa Người đã khiêm tốn từ chối nhận với lý do “để chờ đến khi nhân dân chúng tôi đánh bại hoàn toàn những kẻ xâm lược đế quốc và đất nước Việt Nam được hoàn toàn giải phóng”.
Có lẽ không quá khó để tìm câu trả lời cho câu hỏi của nhiều thế hệ sau này: “Vậy, Hồ Chí Minh là ai?”. Nikita Khrushnev, người đã gặp Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1950 với tư cách Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và từ năm 1953 trở đi, sau khi Stalin mất, trở thành Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch nước cộng hòa Liên bang Xô viết đã hồi tưởng lại về Hồ Chí Minh: “Những người theo đạo trước đây vẫn thường nói về vị lãnh tụ tinh thần tối cao của họ. Thông qua cách mà Hồ Chí Minh đã sống và ảnh hưởng đến những người xung quanh, có thể nói Người cũng là một “Lãnh tụ tinh thần tối cao” như vậy. Hồ Chí Minh là một tượng đài cách mạng. Tôi sẽ không bao giờ quên được ấn tượng toát lên từ ánh mắt của Người, ấn tượng về một sự chính trực và đức độ trong sáng. Đó là sự chính trực của một người cộng sản chân chính và đức độ của một con người luôn trung thành với lý tưởng và những nền tảng truyền thống cốt lõi (…). Từng lời nói của Hồ Chí Minh đều như muốn khẳng định quan điểm rằng, tất cả những người cộng sản đều là anh em và do đó trong cư xử phải luôn chân thành và đúng mực với nhau. Hồ Chí Minh thực sự là “một vị thánh” của chủ nghĩa cộng sản”.
Hồ Chí Minh giành được sự kính trọng không chỉ từ phía những người cộng sản mà còn từ nhiều nhân vật nổi tiếng của các nước tư bản phương Tây. Bertrand Earl of Russell, nhà toán học và loogic học người Anh, đồng thời cũng là một triết gia và nhà phê bình nổi tiếng, người cực lực phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam do Mỹ gây ra, đã từng nói: “Những nỗ lực chiến đấu không ngừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì độc lập và thống nhất của Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ đã làm cho Người không chỉ trở thành nhà sáng lập của một nước Việt Nam mới mà còn là một trong những nhân vật kiệt xuất góp phần tạo dựng nên diện mạo của bản đồ chính trị thế giới thời kỳ hậu chủ nghĩa thực dân”. Năm 1954, giữa lúc các cuộc tấn công càn quét của thực dân Pháp tại Đông Dương lên đến mức cao điểm nhất, Jean Sainteny, đặc phái viên của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle về vấn đề Đông Dương từ năm 1946 đến 1954, đã có nhiều lần tiếp xúc đàm phán với Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngay lần gặp đầu tiên với Hồ Chí Minh, tôi đã có ấn tượng rằng, đằng sau vẻ ngoài giản dị của con người này là một nhân cách vĩ đại. Dáng vẻ và khuôn mặt của con người này toát lên đồng thời sự thông minh, khả năng nắm bắt nhạy bén và khôn ngoan. Kiến thức và sự hiểu biết toàn diện, quá trình tham gia vào nhiều hoạt động cách mạng cũng như phẩm chất giản dị không màng danh lợi bản thân đã làm cho nhân dân Việt nam và thế giới dành sự kính trọng và yêu mến đặc biệt đối với Hồ Chí Minh. Dù Hồ Chí Minh nói hay làm gì thì tất cả đều hướng đến hòa bình. Không có gì phải nghi ngờ khi chúng ta nói rằng, ở thời kỳ này, Hồ Chí Minh giống như “một Mahatma Gandhi của Đông Dương” vậy”.
Ngay cả những người ở bên kia chiến tuyến cũng không thể phủ nhận sự kính trọng mà họ dành cho Hồ Chí Minh. Dwight D. Eisenhower (1890-1969), Tổng thống thứ 34 của nước Mỹ (nhiệm kỳ 1953-1961), người đề xuất và hiện thực hóa bản hiệp ước Geneve về vấn đề Đông Dương năm 1954, và chỉ một năm sau đã ngầm phá vỡ bản hiệp ước đó, ủng hộ thành lập một chính phủ ngụy quyền ở miền Nam Việt Nam để ngăn cản tổng tuyển cử 2 miền dự kiến diễn ra năm 1956, cũng đã viết trong cuốn hồi ký của mình như sau: “Nhìn chung tất cả mọi người đều thừa nhận rằng, trong trường hợp bầu cử tự do được diễn ra ở Việt Nam, thì chắc chắn Hồ Chí Minh sẽ được cử tri cả hai miền tín nhiệm bầu làm người đứng đầu chính phủ. (…) Khi nói chuyện hay trao đổi với bất kỳ chuyên gia nào thành thạo về các vấn đề ở Đông Dương thì cả tôi và họ đều phải đồng ý rằng, nếu bầu cử diễn ra công bằng, ít nhất cũng phải có đến 80% người dân Việt Nam bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh”. William Fulbright, từng là chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ trong thập niên 60, đã nhận xét vào năm 1966 rằng: “Sau 11 năm với rất nhiều công sức cả về quân sự, chính trị và tài chính để thiết lập và bảo vệ một chính quyền dưới sự bảo trợ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam thì cho đến hôm nay (1966), kết quả của tất cả những gì mà Washington làm được ở đây chỉ là việc, cái tên Hồ Chí Minh đã trở nên quen thuộc trên toàn miền Nam và toàn bộ người nông dân Việt Nam đều chỉ biết đến một chính trị gia duy nhất, đó là Hồ Chí Minh”.
Khi ra đi với hai bàn tay trắng vào năm 1911 với mục đích tìm hiểu về thế giới văn minh phương Tây, để sau đó trở lại quê hương chiến đấu chống lại chủ nghĩa Thực dân, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành không ngờ được rằng, phải đến năm 51 tuổi mới lại có thể đặt chân lên mảnh đất quê nhà. Những khoảng thời gian lưu lạc thiếu thốn đầy gian khổ ở Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc rồi trở lại Liên Xô, sang Tây Âu trong đó có Đức, rồi về Xiêm (Thái Lan) và một lần nữa trở lại Trung Quốc với hàng chục bí danh, biệt hiệu và tên ngụy trang tôi luyện nên nhân cách của một nhà lãnh tụ cách mạng. Ở Pháp, với bí danh Nguyễn Ái Quốc, là một trong những sáng lập viên của Đảng cộng sản Pháp đồng thời cũng là người cộng sản Việt Nam đầu tiên, Người đã nhận ủy quyền của Quốc tế Cộng sản để thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông vào năm 1930. Nguyễn Ái Quốc trở về quê hương năm 1941 (trước đó, Người đã bị tuyên án tử hình vắng mặt ở quê nhà từ năm 1929). Tiếp đó là 13 năm chiến đấu không ngừng nghỉ trong vùng núi Tây Bắc (2 năm 1945/1046, Người có về sống ở Hà Nội một thời gian từ trước cách mạng tháng 8 cho đến ngày toàn quốc kháng chiến 12/1946) với mục tiêu giành độc lập và giải phóng Việt Nam khỏi thực dân Pháp. Dưới sự dẫn dắt của Người, Việt Nam đã giành độc lập vào năm 1945. Như vậy, trong vòng 15 năm kể từ khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trở thành vị lãnh tụ tối cao của Nhà nước và của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tên gọi Hồ Chí Minh chính thức xuất hiện vào năm 1942, trước đó Hồ Chí Minh vẫn được biết đến với tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thể hiện tài năng của mình trên cở sở một nền học vấn xuất sắc được trang bị ngay từ lúc còn nhỏ, từ khi được sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục trong một gia đình hiếu học có truyền thống yêu nước. Cùng với đó là sự hiểu biết và khả năng nhìn nhận sâu sắc về thế giới, tinh thần nhân đạo cao cả, thái độ thân thiện với mọi người, lối sống khiêm tốn, giản dị mẫu mực cũng như sự cương trực của con người Hồ Chí Minh. Tất cả đã làm cho Hồ Chí Minh trở thành một nhân cách đặc biệt. Hồ Chí Minh hiểu biết rộng không chỉ văn chương, lịch sử, nghệ thuật của Việt Nam, mà còn thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, nói được tiếng Thái và Bồ Đào Nha, thậm chí đã làm ngỡ ngàng những chính khách Đức khi có thể trò chuyện với họ bằng tiếng Đức. Chính vì thế, việc UNESCO công nhân Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới” vào năm 1990 và kêu gọi toàn thể các nước thành viên của tổ hcức dành sự trân trọng đối với những đóng góp của Hồ Chí Minh là hoàn toàn xứng đáng. Tổ chức này đã viết về Hồ Chí Minh như sau: “Một con người đã cống hiến cả đời mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà nhân dân Việt Nam, và qua đó đóng góp cho cuộc chiến đấu chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; đồng thời là một người có đóng góp quan trọng và nhiều mặt trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”…
CHUYÊN MỤC “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH” Tạp chí Cộng sản điện tử. Số 6 (150) năm 2008
Sáu điều Bác dạy - Di sản tinh thần vô giá để xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh
Đại tướng Lê Hồng Anh
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
(Cập nhật: 28/3/2008) http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?News_ID=28354074&Object=3437480
Ngày 11-3-1948, Bác Hồ đã có thư gửi đồng chí Giám đốc Công an Khu XII, trong thư Bác căn dặn 6 tư cách của người Công an Nhân dân mà anh em phải luôn tu dưỡng, rèn luyện. Sáu mươi năm qua, những điều Bác dạy về tư cách người Công an vẫn còn nguyên giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc; là di sản tinh thần vô giá, thể hiện đậm nét nhất tư tưởng của Người về xây dựng lực lượng Công an Nhân dân cách mạng suốt đời vì dân, vì nước. Trong tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi lực lượng Công an Nhân dân phải không ngừng được củng cố vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, đẩy mạnh hơn nữa phong trào Công an Nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy gắn với triển khai, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an Nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện và xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) về mọi mặt; từ việc xác định quan điểm, đường lối, biện pháp công tác, xây dựng tổ chức, bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt và có những lời huấn thị, dạy bảo ân cần đến việc động viên, thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ chiến sĩ... Tháng 3 năm 1948, đồng chí Giám đốc Công an Khu XII đã viết thư kính gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và biếu Người tờ báo "Bạn Dân" số Tết Mậu Tý (1948). Trong thư, đồng chí báo cáo với Bác về niềm phấn khởi của quân và dân ta sau chiến thắng Thu - Đông năm 1947; đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Bác về phẩm chất, đạo đức, tác phong của mỗi người chiến sĩ CAND và những việc phải làm của báo chí công an... Ngày 11-3-1948, Bác Hồ đã có thư gửi đồng chí Giám đốc Công an Khu XII, trong thư Bác viết:
"Trên báo cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay chân, nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong. Trên tờ báo phải luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách, đạo đức. Tư cách người Công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ đúng. Những điều đó, chẳng những nên luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu dán tại những nơi các anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ...)
Thư của Bác đã trở thành huấn thị đối với lực lượng CAND. Sáu mươi năm qua, những điều Bác dạy về tư cách người Công an cách mệnh vẫn còn nguyên giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc; là chuẩn mực về đạo đức, phương châm hành động và thái độ ứng xử mà mỗi cán bộ chiến sĩ công an dù ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh công tác nào, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình cũng đều phải rèn luyện, phấn đấu thực hiện. Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là di sản tinh thần vô giá, thể hiện đậm nét nhất tư tưởng của Người về xây dựng lực lượng CAND cách mạng suốt đời vì dân, vì nước. Có thể khẳng định, ở đâu và khi nào mỗi đơn vị, mỗi cán bộ chiến sĩ công an quán triệt, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy thì ở đó, khi đó an ninh trật tự được bảo đảm, công an được nhân dân tin yêu, được Đảng, Chính phủ tin cậy.
Ngay từ năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã gắn với phong trào thi đua ái quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Lực lượng công an cả nước, nhất là các đơn vị thuộc Khu XII đã tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, lấy 6 điều Bác Hồ dạy là nội dung phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Các số báo của Nha Công an trung ương đã đăng bức thư của Bác Hồ và nêu định hướng cơ bản về việc học tập, thực hiện 6 điều dạy của Người để các đơn vị và cán bộ chiến sĩ quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Ở vùng tự do, lực lượng công an hưởng ứng phong trào bằng các hình thức như: tổ chức cho cán bộ chiến sĩ nghiên cứu, quán triệt nội dung thư của Bác Hồ; mở lớp chỉnh huấn, tổ chức tuyên thệ trung thành với Tổ quốc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, ác liệt, thực hiện 6 điều dạy của Bác Hồ, lực lượng CAND đã đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các tầng lớp nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các tổ chức phản động, các cơ quan tình báo, gián điệp đế quốc; bảo vệ bí mật và các chiến dịch quân sự trọng yếu; diệt ác, phá tề, tiễu trừ nhiều tên mật thám, phản động nguy hiểm. Từ phong trào học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy đã xuất hiện nhiều gương cán bộ chiến sĩ công an chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của CAND và in sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Các Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi, Phan Khắc Trình, Trần Bình (Công an TP Hà Nội), Bửu Đóa (Công an tỉnh Khánh Hòa), Bùi Thị Cúc (Công an tỉnh Hưng Yên), Cao Kỳ Vân (Công an tỉnh Bắc Giang), Võ Thị Sáu (Công an quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa nay là Bà Rịa - Vũng Tàu)... đã lập những chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến toàn thắng.
Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy được gắn với phong trào thi đua yêu nước trong lực lượng CAND. Với tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; lực lượng CAND đã điều tra, bóc gỡ toàn bộ mạng lưới gián điệp do Pháp cài lại, cùng toàn dân trấn áp kịp thời các hoạt động gây bạo loạn và bắt gọn toàn bộ các toán gián điệp biệt kích của Mỹ - Ngụy tung ra phá hoại miền Bắc; kiên cường bảo vệ tài sản nhà nước, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng thời vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, bảo vệ an toàn các đợt chuyển quân và vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát đường phố, cảnh sát giao thông... quên mình trong lửa đạn của kẻ thù để cứu người, cứu tài sản và mở đường cho các chuyến xe chi viện chiến trường miền Nam là những tấm gương sáng ngời tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân quên mình" của CAND Việt Nam.
Ở miền Nam, các lực lượng an ninh vừa phát động phong trào "Bảo mật phòng gian", vừa bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến và căn cứ cách mạng; đồng thời vũ trang chiến đấu ngay trong sào huyệt địch, trấn áp bọn gián điệp, phản động, trừng trị các tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Chiến công của các chiến sĩ An ninh vũ trang miền Nam đã góp phần cùng toàn dân và toàn quân đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy, làm nên chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đất nước thống nhất, cả nước thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự diễn ra hết sức phức tạp. Phong trào CAND học tập, thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và có sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an trung ương và lãnh đạo Bộ Công an. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngày 25-6-1980 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 92 - CT/TƯ về cuộc vận động "Xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới". Quán triệt sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ban hành các chỉ thị nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào CAND học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy. Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước liên tục phát động phong trào bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo nhằm vận dụng thực hiện 6 điều của Bác vào từng lĩnh vực công tác chuyên môn và cuộc sống hàng ngày của mỗi cán bộ chiến sĩ. Phong trào được chia thành từng bước cụ thể, sát hợp với thời gian, tính chất, đặc điểm của từng lực lượng, đơn vị, địa phương. Nội dung các bước tiến hành luôn gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ chiến sĩ công an luôn tự soi mình vào từng điều dạy của Bác Hồ để liên hệ, kiểm điểm nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém, biến nhận thức thành hành động cách mạng theo 6 điều Bác Hồ dạy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện gắn với việc giáo dục truyền thống cách mạng qua các đợt sinh hoạt chính trị "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" và "Hành quân theo chân Bác" góp phần làm cho phong trào trở thành cuộc vận động sâu rộng, được thực hiện không chỉ trong lực lượng công an chính quy mà cả trong lực lượng công an xã, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.
Trong thời kỳ đổi mới, đất nước ta đứng trước thời cơ và vận hội mới nhưng cũng phải đối mặt với những nguy cơ và thách thức không nhỏ. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc... để chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng tăng cường thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn, lật đổ với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, chống phá trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... nhằm làm cho nước ta mất ổn định chính trị, đi chệch con đường xã hội chủ nghĩa. Tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội cũng gây không ít trở ngại cho sự phát triển của đất nước. Sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự đặt ra hết sức nặng nề. Vì vậy, Đảng ủy Công an trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn xác định công tác xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong điều kiện đổi mới, mở cửa, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Công an đã có Chỉ thị số 214 về "Tiếp tục học tập và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy trong tình hình mới"; Chỉ thị số 10 về "Học tập và thực hiện bài viết của đồng chí Cố vấn Phạm Văn Đồng: CAND đoàn kết phấn đấu thực hiện những lời dạy của Bác Hồ"; Chỉ thị số l2 về "Tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy từ năm 2003 đến 2008". Những chỉ thị trên của Bộ Công an đã đề ra các chủ trương lớn và những hình thức, biện pháp cụ thể nhằm đưa phong trào đi vào nền nếp, có chiều sâu, đưa việc học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy gắn với nhiệm vụ chiến đấu, công tác, sinh hoạt hằng ngày của mỗi cán bộ chiến sĩ công an. Trong thời kỳ này, phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và có những bài viết, bài nói, các ý kiến chỉ đạo, động viên phong trào. Cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương đã có chỉ thị, nghị quyết, thông tri... lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ lực lượng Công an trong học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. Các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương, các tầng lớp nhân dân đã phối hợp chặt chẽ và có nhiều hình thức cổ vũ, động viên, góp ý kiến, giám sát, giúp đỡ cán bộ chiến sĩ công an học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, các công trình nghiên cứu khoa học để nghiên cứu, biên soạn thành sách và tài liệu phân tích sâu sắc về 6 điều Bác Hồ dạy, về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về 6 điều Bác Hồ dạy; tổ chức Cuộc vận động "Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ'' và Diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến nhân dân"; tổ chức các cuộc hội thảo khoa học - thực tiễn: "Bác Hồ với CAND - CAND với Bác Hồ" (1990); “CAND thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (1998); "Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" (2006); "60 năm - CAND làm theo lời Bác" (2008)... Các hoạt động trên đã góp phần bổ sung nhận thức mới sâu sắc, toàn diện hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo 6 điều Bác Hồ dạy vào từng lĩnh vực công tác công an trong thời kỳ mới. Phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã trở thành hành động cách mạng cụ thể, thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và công tác xây dựng lực lượng CAND vững mạnh toàn diện. Từ việc tổ chức cho cán bộ chiến sĩ sinh hoạt chính trị, liên hệ kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo 6 điều Bác Hồ dạy gắn với bình xét, phân loại cán bộ chiến sĩ, xây dựng chương trình hành động, ghi sổ tu dưỡng, đến việc phát động các đợt thi đua ngắn, thi đua đặc biệt, ký kết giao ước thi đua, báo công dâng Bác; phát động học tập gương mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, liêm khiết, tận tụy trong công việc, biểu dương và nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn lực lượng... đã làm cho phong trào thêm phong phú, sinh động, phát triển sâu rộng, vững bền. Hình ảnh người cán bộ chiến sĩ công an "Thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình" là niềm tin, chỗ dựa của các tầng lớp nhân dân. Chiến công của các Anh hùng liệt sĩ Lâm Văn Thạnh (Công an tỉnh Lâm Đồng), Lưu Thế Hà (C22), Lê Thanh Á (CATP Hải Phòng), Lê Thế Bùi (CATP Hồ Chí Minh), Phạm Văn Chiến (Công an tỉnh Hà Giang), Nguyễn Văn Ngữ (CATP Hà Nội)... Và hàng ngàn cán bộ chiến sĩ công an không tiếc máu xương, chiến đấu kiên cường, dũng cảm đã góp phần bảo vệ vững chắc nền an ninh trật tự của Tổ quốc, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân là những bằng chứng sinh động nói lên kết quả to lớn của phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. Trải qua các giai đoạn cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, xây dựng đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã thực sự góp phần to lớn xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Với ý nghĩa đó, Đảng ủy Công an trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định lấy ngày 11-3-1948 - Ngày Bác Hồ viết thư nêu nội dung tư cách người Công an cách mệnh là Ngày Truyền thống công tác xây dựng lực lượng CAND. Phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã góp phần to lớn trong việc giáo dục, xây dựng lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân cho các thế hệ cán bộ chiến sĩ công an. Chính vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lĩnh vực công tác nào, dù phải hy sinh gian khổ khó khăn, thử thách đến mấy, cán bộ chiến sĩ công an vẫn luôn vững vàng và quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Qua phong trào thi đua "CAND học tập, thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy" đã có hàng ngàn tập thể và cán bộ chiến sĩ lập công xuất sắc, được các cấp khen thưởng.
Trải qua các giai đoạn cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, xây dựng đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã thực sự góp phần to lớn xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Ngày 7-l1-2007, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06 về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng, toàn dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. Đồng thời, càng khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy trong công tác xây dựng lực lượng CAND 60 năm qua và mãi mãi về sau. Việc gắn cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Trung ương phát động và phong trào hành động "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của mỗi cán bộ chiến sĩ công an với phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy là sự vận dụng sáng tạo, mang tính đặc sắc của lực lượng CAND, góp phần làm cho cuộc vận động và phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy nâng lên tầm cao mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy vẫn còn những mặt tồn tại, yếu kém cần sớm được khắc phục như: Cấp ủy đảng, thủ trưởng đơn vị và các đoàn thể quần chúng một số đơn vị, địa phương thiếu sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong tổ chức giáo dục, động viên cán bộ chiến sĩ thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy; chưa xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến thật sự tiêu biểu để cán bộ chiến sĩ học tập, noi theo; vẫn còn một bộ phận cán bộ chiến sĩ công an chưa thấm nhuần sâu sắc 6 điều Bác Hồ dạy, còn trung bình chủ nghĩa, hữu khuynh, né tránh trong đấu tranh chống tội phạm; ý thức tổ chức kỷ luật kém, đạo đức, lối sống sa sút; có thái độ cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu gây phiền hà nhân dân, tình trạng vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật còn xảy ra, đặc biệt có những vi phạm nghiêm trọng phải truy tố trước pháp luật. Những khuyết điểm, yếu kém nói trên, tuy chỉ là số ít nhưng luôn là vấn đề gây bức xúc trong lực lượng công an và nhân dân, gây ảnh hưởng đến uy tín và lòng tin của nhân dân đối với lực lượng công an.
Trong tiến trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự đang đặt ra rất nặng nề và khẩn trương. Để hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề đó, đòi hỏi lực lượng CAND phải không ngừng được củng cố vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, đẩy mạnh hơn nữa phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy gắn với triển khai, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Theo đó, mỗi đơn vị, mỗi cán bộ chiến sĩ công an trong khi học tập, làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư phải đặt trong mối quan hệ thống nhất của 6 điều Bác Hồ dạy. Đó là, tuyệt đối trung thành với Chính phủ; kính trọng, lễ phép với nhân dân; thân ái giúp đỡ đồng sự; tận tụy với công việc và cương quyết, khôn khéo trong đấu tranh với các loại tội phạm.
Đẩy mạnh phong trào "CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" và cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" là nhiệm vụ cơ bản, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đây là hai nhiệm vụ luôn gắn bó, tiến hành đồng thời, không tách rời trong công tác xây dựng lực lượng CAND. Để thực hiện có hiệu quả phong trào "CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" gắn chặt với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" cấp ủy đảng và thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác dạy CAND gắn với thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Nội dung cuộc vận động phải cụ thể, thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, trong sạch, vững mạnh.
Hai là, lãnh đạo công an các cấp và cán bộ chiến sĩ công an phải luôn nhận thức rõ: Thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" và tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy lên một tầm cao mới, sâu sắc, toàn diện hơn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác công an. Chú trọng việc phát huy kết quả đạt được, những kinh nghiệm hay, những mô hình mới trong phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy để vận dụng sáng tạo trong thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải hết sức coi trọng việc đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành nhằm bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ phong trào CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy với cuộc vận động, thực sự là động lực thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.
Ba là, tiếp tục tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn lực lượng CAND nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ chiến sĩ công an có nhận thức sâu sắc về nội dung cơ bản của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là thấm nhuần sâu sắc 6 điều Bác Hồ dạy CAND, trở thành tiềm thức, hành động, việc làm hằng ngày của mỗi cán bộ chiến sĩ công an. Tăng cường công tác tự phê bình và phê bình, công tác quản lý cán bộ, giữ vững kỷ cương kỷ luật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tạo môi trường tốt để cán bộ chiến sĩ học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư cách theo 6 điều Bác Hồ dạy.
Mỗi đơn vị, cán bộ chiến sĩ công an phải có chương trình hành động, cụ thể hóa nội dung 6 điều Bác Hồ dạy thành tiêu chí, tiêu chuẩn để thực hiện. Cán bộ chiến sĩ công an cần phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, suy nghĩ, hành động theo 6 điều Bác Hồ dạy để luôn luôn vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, trước những cám dỗ tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường. Đồng thời, phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê trong công việc, khắc phục khó khăn, gian khổ; sáng tạo, nhạy bén, mưu trí, dũng cảm trong công tác và chiến đấu. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện ngại khó, ngại khổ, thiếu trách nhiệm trong công tác, nhất là tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong một bộ phận cán bộ chiến sĩ công an.
Bốn là, quá trình thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" gắn với phong trào CAND học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy cần có sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Lực lượng công an chính quy và lực lượng công an xã, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp phải tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân, trên cơ sở đó điều chỉnh, cải tiến, đổi mới lề lối làm việc sao cho gần dân, làm cho nhân dân ngày càng tin yêu, quý trọng, giúp đỡ lực lượng công an. Trong công tác, chiến đấu cán bộ chiến sĩ công an phải luôn dựa vào dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự; làm tốt công tác dân vận; chăm lo đời sống nhân dân. Phải luôn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương, kỷ luật, gương mẫu trong các hành vi đạo đức; kiên quyết chống bệnh quan liêu, hữu khuynh, né tránh, vô trách nhiệm trước yêu cầu chính đáng của nhân dân. Chủ động và tích cực khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, yếu kém làm tổn hại đến mối quan hệ giữa nhân dân với công an.
Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính trên lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân. Tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa công an với nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu kết nghĩa, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động giúp dân, thi đua làm nhiều việc tốt phục vụ nhân dân; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân quan tâm ủng hộ, giúp đỡ lực lượng công an học tập, thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy và cuộc vận động; củng cố lòng tin của nhân dân đối với công an, xây dựng hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân. Sáu điều Bác Hồ dạy CAND hàm chứa nhiều giá trị đạo đức nhân văn cao quý vì nó kết tinh trong đó những tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại. Nhữn
Vấn đề phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và nâng lên tầm cao mới trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam của Hồ Chí Minh
PGS, TS Nguyễn Hùng Hậu
Triết học & Đời sống
08:26' AM - Thứ ba, 20/12/2005
Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, nhà văn hoá lớn của thế giới. Người không chỉ truyền bá, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, đưa Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà Người còn phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin lên một tầm cao mới.
1. Khi phân tích những mâu thuẫn của CNTB, C.Mác và Ph. Ăngghen đã tiên đoán khả năng cách mạng nổ ra trước tiên ở các nước tư bản phát triển nhất, nơi những tiền đề vật chất của CNXH đã đạt đến độ chín muồi nhất định. Mới đầu các ông cho rằng cách mạng sẽ nổ ra ở Anh, Pháp, sau đó là Đức. Theo các ông, giữa xã hội tư bản và xã hội cộng sản là một thời kỳ cải tiến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia, thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị và Nhà nước của thời kỳ ấy là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản. Nhưng đến năm 1877, hai ông lại cho rằng cách mạng sẽ nổ ra ở phương Đông mà Nga là nước tiên phong. C.Mác tán thành ý kiến của Sécnưsepxki cho rằng nước Nga có thể không cần phải trải qua những đau khổ của chế độ tư bản mà vẫn chiếm đoạt được mọi thành quả của chế độ ấy. Như vậy, về cơ bản, lý luận của hai ông đều cho rằng các nước tư bản phát triển có thể đồng loạt tiến lên XHCN. Tuy nhiên, các ông cũng dự báo khả năng phát triển rút ngắn như nước Nga.
Thời C.Mác và Ph. Ăngghen, hệ thống thuộc địa của CNTB đã được mở rộng, nhưng cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc chưa phát triển mạnh, bởi vậy, theo các ông, vận mệnh loài người, tương lai của cách mạng giải phóng dân tộc vẫn phần lớn phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển.
Sang thời Lênin, khi phân tích CNTB ở giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, ông cho rằng CNXH có thể thắng lợi thậm chí trong một nước tư bản tách riêng (một mắt xích trong sợi dây truyền), và ông nêu ra tư tưởng trong những điều kiện lịch sử nhất định, những nước lạc hậu có thể phát triển rút ngắn, bỏ qua, không phải trải qua giai đoạn phát triển TBCN. Những điều kiện đó là gì?
a) Phương thức sản xuất bị bỏ qua đã tỏ ra lỗi thời về mặt lịch sử.
b) Có sự giúp đỡ của giai cấp công nhân đã giành được thắng lợi ở nước tư bản phát triển hơn.
c) Có đội tiên phong chính trị của giai cấp công nhân với đầy đủ kinh nghiệm và quyết tâm cùng toàn dân làm cuộc cách mạng giành được chính quyền về tay mình.
Thời Lênin, cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản, nên ông cho rằng cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc cần phải liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa. Bởi vậy, thay thế cho khẩu hiệu thời C.Mác "Vô sản tất cả các nước liên hợp lại", ông đưa ra khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại".
Hồ Chí Minh trên góc độ của người thuộc địa, góc độ của các dân tộc bị áp bức đã phê phán một cách có căn cứ và hết sức sâu sắc chủ nghĩa đế quốc và đã chỉ ra rằng sức sống của chủ nghĩa đế quốc một phần quan trọng nằm ở thuộc địa. Người nói: "Hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các nước thuộc địa hơn là ở chính quốc"(1274). Đây là điều quan trọng mà Hồ Chí Minh bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đó, Người viết: "CNTB là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra"(1298). Tư tưởng này là sự cụ thể hoá và chứng minh cho quan điểm của Lênin về sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản của các nước thuộc địa và các dân tộc bị áp bức để tiêu diệt CNTB - con đỉa có hai vòi. Người cho rằng cách mạng vô sản ở các nước tư bản và cách mạng giải phóng dân tộc như đôi cánh của một con chim. Từ đó Người đi đến kết luận: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài cách mạng vô sản", và Người đã gắn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với cách mạng vô sản, gắn giải phóng dân tộc với CNXH, mang lại sự giải phóng triệt để cho con người Việt Nam.
2. Chủ nghĩa Mác-Lênin đề cao vấn đề giai cấp, còn ở Hồ Chí Minh, vấn đề giai cấp gắn bó mật thiết với vấn đề dân tộc, không có giai cấp chung chung đứng ngoài dân tộc, hai cái đó liên hệ với nhau một cách uyển chuyển và biện chứng. Trong hoàn cảnh mất nước thì quyền lợi dân tộc được đặt lên trên quyền lợi giai cấp, vì có giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp, giải phóng dân tộc đã bao hàm một phần giải phóng giai cấp, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để giải phóng giai cấp. Theo Người, nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được tự do cho dân tộc thì chẳng những quốc gia dân tộc còn chịu mại kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không lại được. Không nên thấy người ta làm thế nào mình cũng làm như thế, người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh. Ngoài ra, trên cơ sở phân tích xã hội phương Đông, Người còn cho rằng đấu tranh giai cấp ở các nước phương Đông không quyết liệt như ở phương Tây, còn ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của lịch sử. Bởi vậy, theo Người, "cần phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế cộng sản, đó là một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời, vì người ta sẽ không thể làm gì được cho người An nam nếu không dựa trên động lực vĩ đại và duy nhất của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của ta thắng lợi, phần lớn thế giới sẽ Xô viết hoá và lúc đó chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế, còn sự nghiệp của người bản xứ gắn mật thiết với sự nghiệp của vô sản toàn thế giới (1,469). Như vậy, ở Hồ Chí Minh, dân tộc và giai cấp liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, có điều ở mỗi thời điểm lịch sử cụ thể thì cái nào nổi trội hơn nhằm đạt đến mục tiêu chiến lược và sách lược cụ thể. Thực tiễn cách mạng 75 năm qua đã chứng minh cho sự đúng đắn của quan điểm này.
3. Nếu như C. Mác tán thành quan điểm của Sécnưsépxki cho rằng nước Nga có thể bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thì Lênin cho rằng: "So với những nước tiên tiến, thì đối với nước Nga, bắt đầu cuộc đại cách mạng vô sản là một điều dễ dàng hơn, nhưng tiếp tục cuộc cách mạng đó đến thắng lợi cuối cùng… lại là một điều khó khăn hơn" (2,478). Như vậy, theo Lênin, so với những nước tư bản tiên tiến, Nga làm cách mạng vô sản dễ hơn nhưng để đi đến thắng lợi cuối cùng thì lại khó khăn hơn. Khó đến mức mà hiện nay nước Nga xã hội chủ nghĩa là không còn nữa. Nghiên cứu tình hình cụ thể các nước phương Đông, Hồ Chí Minh cho rằng với những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào Châu Á, dễ dàng hơn là ở Châu Âu”(1,36). Như vậy, theo Bác, chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào Châu Á dễ dàng hơn Châu Âu. Điều này hoàn toàn có căn cứ, có cơ sở khoa học.
Như chúng ta đã biết, điểm khác biệt giữa Á với Âu, Đông và Tây là ở chỗ ảnh hưởng của cái gọi là phương thức sản xuất Châu Á lâu dài, dai dẳng, đã tạo nên một đặc điểm đặc trưng của phương Đông là việc không có sở hữu tư nhân về ruộng đất, cái mà C.Mác gọi là cơ sở, còn Ph.Ăngghen gọi là chiếc chìa khoá để hiểu toàn bộ phương Đông. Trong Kinh Thư có ghi: "Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ, suất hải chi tân mạc phi vương thần" nghĩa là đất đai dưới trời đâu chẳng là của vua, người trên đất đai ấy ai chẳng phải là thần dân của vua. GS. Trần Đình Hượu cho rằng cùng với chế độ "'lãnh hữu” chứ không phải "sở hữu” và ruộng đất các nước phương Đông để tiến lên CNXH, hơn CNTB.
Nhưng để tiến lên CNXH và xây dựng thành công CNXH là hai việc khác nhau. Cái thứ nhất suy cho cùng nghiêng về tiền đề, cái thứ hai mới là mục đích Hồ Chí Minh cho rằng thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều, rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng vĩ đại, vẻ vang nhất nhưng là cuộc cách mạng gay go nhất, phức tạp, khó khăn nhất, là cuộc chiến khổng lồ chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Qua thực tiễn xây dựng CNXH ở nước ta trong những năm qua, chúng ta càng thấm thía tư tưởng của Người.
4. Chủ nghĩa Mác - Lênin qua lăng kính của Người trở thành một cái gì đó cực kỳ dễ hiểu, giản dị, dung dị, gần gũi đối với tất cả mọi người. Chẳng hạn, quan hệ giữa cán bộ, Đảng, Nhà nước và nhân dân được người mô tả bằng hình ảnh vô cùng quen thuộc: dân là nước, cán bộ là cá, Nhà nước, cách mạng là thuyền, đường lối là la bàn, Đảng như người cầm lái (hay trí tuệ con người cầm lái). Như chúng ta thấy, cá tách khỏi nước sẽ chết. Nước có thể chở thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền. Thuyền không có la bàn không biết đi đâu. Thuyền không có người cầm lái thì không chuyển động. Như vậy, thật vô cùng dễ hiểu, không có dân là không có tất cả, dân là gốc, là cơ sở, nước ấy dân làm gốc.
Gốc có vững cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân
Từ đó Người đưa ra tư tưởng dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của dân và xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Người cho rằng thực hiện dân chủ là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn. Hay một hình ảnh nữa, đoàn kết hay không đoàn kết, được Người ví như một bó đũa và một chiếc đũa đơn lẻ. Từ đó Người cho rằng đoàn kết tạo nên sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi, là thành công.
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công đại thành công
Bởi vậy, chủ nghĩa Mác- Lênin trở nên gần gũi với những người dân lao động bình thường. Bác giải thích thế nào là chủ nghĩa Mác -Lênin, tsách vở mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được, hay hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đó là chủ nghĩa Mác-Lênin. Bác cho rằng muốn giữ gìn sự trong sáng của chủ nghĩa Mác –Lênin thì trước hết tự mình phải trong sáng (xem 4,272)
5. Chủ nghĩa Mác-Lênin có bàn đến đạo đức giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Mặc dù đã vạch ra được những nguyên lý nền tảng của đạo đức nhưng vẫn còn khá chung chung, chưa thật cụ thể.
Giống như C.Mác phê phán Hêghen, Người cho rằng đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức không phải từ trên trời rơi xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển. Đạo đức là nền tảng của người cách mạng, nó giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Hồ Chí Minh đã nhìn ra đạo đức có thể nhân gấp 10 lần sức mạnh con người, đã nhìn ra ở phương Đông một tấm gương có giá trị gấp trăm bài diễn thuyết, bởi vậy, Người chú trọng vấn đề đạo đức, đặc biệt xây dựng mẫu người toàn diện cả đức lẫn tài, cả tâm hồn lẫn trí tuệ và sức khoẻ, phải trung với nước, hiếu với dân, phải thương yêu con người, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải có tinh thần quốc tế trong sáng. Đối với Người, nói là phải đi đôi với với làm, phải làm gương "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” xây đi đôi với chống và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.
6. Trên cơ sở phân tích tình hình xã hội phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, Người cho rằng cuộc đấu tranh giai cấp ở đây không diễn ra giống như ở phương Tây. Vậy không giống ở điểm nào? Người cho rằng về phía Việt Nam người lao động, đó là sự không giác ngộ, sự nhẫn nhục và vô tổ chức, còn về phía bọn chủ thì không có máy móc, ruộng đồng thuộc sở hữu của những địa chủ hạng trung, hạng nhỏ và những kẻ ở đó được coi là đại địa chủ thì chỉ là những tên lùn tịt bên cạnh những người trùng tên với họ ở Châu Âu và Châu Mỹ, không có tỷ phú người An Nam. Những tên trọc phú ở đó thì ở đây chỉ là những kẻ thực lợi khá giả thôi. Cho nên, nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa, nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc, người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có Tơrớl. Người thì nhẫn nhịn chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình, sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó không thể chối cãi được. Từ đó Người kết luận: "Xã hội Đông Dương, Ấn Độ hay Trung Quốc về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây" (1,465).
Từ phân tích về giai cấp xã hội các nước phương Đông và Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đi gần đến cái mà C.Mác gọi là phương thức sản xuất Châu Á vốn coi trọng là tính tự trị độc lập, biệt lập của công xã. Cái đặc trưng này theo Người dẫn đến sự thiếu tin cậy lẫn nhau, từ đó là nguyên nhân gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông. Người viết: "Nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự biệt lập. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau (1,263).
Với tính cách đặc thù đó, Người đã đặt ra một vấn đề hoàn toàn chính xác khi cho rằng C.Mác cho ta biết sự tiến triển của các xã hội trải qua ba giai đoạn: "Chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản, và trong mỗi giai đoạn ấy, đấu tranh giai cấp có khác nhau. Chúng ta phải coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không?"(1,465). Bởi lẽ, ở phương Đông do ảnh hưởng của cái gọi là phương thức sản xuất Châu Á kéo dài dai dẳng từ sau khi tan rã của công xã nguyên thuỷ cho đến tận những năm đầu của thế kỷ XIX, nên xã hội ở phương Đông và Việt Nam không thật điển hình như ở phương Tây (nếu theo hệ quy chiếu phương Tây). Một số học giả khác lại cho rằng Việt Nam, Mông Cổ và cả Nga không trải qua chế độ nô lệ, thậm chí có người còn cho rằng Việt Nam không có chế độ phong kiến. Từ đó Hồ Chí Minh cho rằng tùy hoàn cảnh mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau "Ta không giống Liên Xô... ta có thể đi con đường khác để tiến lên CNXH” (6, 227). Hồ Chí Minh cho rằng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà C.Mác ở thời mình không có được. Người cho rằng “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông, đó chính là nhiệm vụ của các Xô viết” (1,465). Tại sao lại như vậy? Theo người: “C.Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử Châu Âu. Mà Châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” (1,465). Qua đây ta đã thấy Người đã phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện cụ thể của các nước phương Đông và Việt Nam như thế nào. Điều này hoàn toàn xa lạ với cái gọi là khuynh hướng xét lại chủ nghĩa Mác.
Ngày nay trong công cuộc CNH-HĐH, thiết nghĩ những người giảng dạy và nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin học tập tinh thần phát triển sáng tạo ở Người để góp phần nhanh chóng đưa nước ta đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
________________________________________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995.
2. C.Mác-Lênin và Ph.Ăngghen, Chủ nghĩa Mác, Nxb Sự thật, Hà Nội 1958.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000.
Nguồn: Triết học & Đời sống
Số lượt đọc: 27936 - Cập nhật lần cuối: 06/09/2008 05:51:01 PM
http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Phat_trien_sang_tao_chu_nghia_Mac_cua_Ho_Chi_Minh/
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét