Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

PGS,TS NGUYỄN THẾ THẮNG - HỒ CHÍ MINH HỌC

1

SUY NGHĨ VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ
NGHIÊN CỨU, GIÁO DỤC, VẬN DỤNG,
PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY

PGS,TS Nguyễn Thế Thắng*

Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm, khoá X, khi ra Nghị quyết về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí, Đảng ta khẳng định rõ một trong những mục tiêu hàng đầu trong công tác tư tưởng của Đảng ta hiện nay là: “Giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Để nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả cao mục tiêu đó, chúng tôi xin được trao đổi một số ý kiến.
1- Đảng ta cần làm rõ hơn tính quan trọng của nghiên cứu, giáo dục, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh ở tầm Người là một lãnh tụ thiên tài, nhà tư tưởng lý luận lỗi lạc của Đảng, của dân tộc ta và có tầm vóc thế giới. Di sản tư tưởng của Người là một bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng định hướng hoạt động của Đảng và là một chủ thuyết phát triển quốc gia dân tộc Việt Nam.
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước các cấp là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công việc nâng cao chất lượng hiệu quả công tác nghiên cứu, giáo dục, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI tới đây, Đảng ta cần có những đánh giá, nhận định mới về tầm vóc, vị trí nhà tư tưởng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và giá trị, vai trò di sản tư tưởng của Người đối với Đảng ta, đối với lịch sử tư tưởng nói riêng và lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Tính từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin, đến Đại Hội VII, năm 1991, sau 22 năm, Đảng ta mới chính thức khẳng định trong Văn kiện Đại hội lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng. Trước đó, không thấy Hồ Chí Minh có hệ thống tác phẩm đồ sộ như của Mác, Ăng ghen, Lê nin, có không ít người không nhận thấy Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn, nhà lý luận lỗi lạc, mà cho rằng Người là lãnh tụ, nhà hoạt động thực tiễn thiên tài mà thôi. Đến nay, tuy khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở nên quen thuộc trong xã hội, nhưng chưa phải tất cả mọi người đều đã thấy hết tầm cỡ lớn lao phi thường của nhà tư tưởng lý luận Hồ Chí Minh và vai trò di sản lý luận của Người đối với lịch sử cách mạng, lịch sử tư tưởng và cả lịch sử phát triển của dân tộc ta.
Một bước tiến trong công tác lý luận của Đảng tại Đại hội IX là đã đưa ra một định nghĩa cho đến lúc đó là đầy đủ nhất về tư tưởng Hồ Chí Minh. Song, đến lúc này, nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh, nhận thấy rằng định nghĩa đó chưa hẳn là đã hoàn toàn đầy đủ rồi. Trong nội dung cụ thể tư tưởng Hồ Chí Minh của đoạn nhận định có tính cách định nghĩa đó có nêu ra 9 mệnh đề, sau đó là dấu ba chấm…, nên sau đó, các sách trình bày tư tưởng Hồ Chí Minh từ 9 mệnh đề đó đã làm thành 9 chuyên đề cơ bản phản ánh hệ thống quan điểm cơ bản của cách mạng Việt Nam. Song, trên thực tế hệ thống quan điểm cơ bản về những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh đặt nền móng, và ngày càng được Người và Đảng ta khẳng định, bổ sung làm rõ ràng, đầy đủ thêm, không phải chỉ có 9 vấn đề như vậy. Hiện nay, hầu như các sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta, đều căn cứ vào 9 vấn đề đó để trình bày thành 9 chuyên đề cơ bản trong các chương trình Đại học, Cao đẳng, Trung, cao cấp lý luận chính trị, hoặc cử nhân chính trị,v,v. Do đó, người ta có cảm tưởng nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta lấy làm một bộ phận cấu thành nên nền tảng tư tưởng của mình nếu chỉ với 9 chuyên đề như vậy thì quá chật hẹp. Cách định nghĩa, chỉ giảng dạy, tuyên truyền 9 chuyên đề cơ bản như vậy làm giảm tính phong phú, giàu có của di sản tư tưởng Hồ Chí Minh trong hiện thực.
Một thí dụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cả một hệ thống quan điểm toàn diện sâu sắc, cụ thể về Đạo đức, mà 1 trong 9 mệnh đề ấy chỉ nêu là tư tưởng của Người “Về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thì chưa khái quát hết nội dung tư tưởng đạo đức hết sức phong phú, toàn diện và cụ thể trong tư tưởng về đạo đức và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh .
Chúng tôi mong rằng, đến Đại Hội XI, trên cở sở kế thừa nhận định có tính cách định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh trong Văn kiện Đại hội IX, cần phát triển nó lên thành một định nghĩa mới về tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì sau một quá trình 10 năm nghiên cứu, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh theo định hướng của Văn kiện Đại hội IX, đã có những thành tựu hết sức phong phú, đáng tự hào. Trên cơ sở đó, cần có sự tổng kết để có một định nghĩa mới về nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh ở tầm khái quát lý luận cao hơn, cô đọng hơn, nhưng có thể bao quát hết tư tưởng của Người trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở nước ta. Tiếp theo đó có thể giải thích cụ thể, và chỉ ra tính mở, không đóng kín, mà còn tiếp tục phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh. Định nghĩa và sự giải thích mở rộng trong Văn kiện Đảng không nên giới hạn tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ ở 9 vấn đề hay 15 hoặc 20 vấn đề. Định nghĩa đó cần xuất phát từ khẳng định Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn, nhà lý luận lỗi lạc và là lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, của dân tộc ta. Di sản tư tưởng của Người là một phần cơ bản cấu thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho Đảng. Hệ thống quan điểm đó của tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong thực tiễn và vẫn sẽ tiếp tục bổ sung, phát triển với tư cách là hệ tư tưởng, là một chủ thuyết về con đường phát triển bền vững của quốc gia dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Trong định nghĩa về tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như đánh giá chung về giá trị Di sản của Người, cần chỉ rõ: Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, không chỉ có kế thừa tinh hoa văn hoá tư tưởng của dân tộc và nhân loại, mà còn có đóng góp làm phong phú thêm kho tàng văn hoá, tư tưởng của dân tộc và của cả nhân loại.
Đặc biệt cần làm rõ định hướng, chỉ nam của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ rõ một vấn đề có tính phương pháp luận trong tư tưởng Hồ Chí Minh là: Mặc dầu coi chủ nghĩa Mác-Lênin là “Mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, nhưng bao giờ Người cũng chú ý kế thừa tinh hoa văn hoá, tư tưởng của dân tộc, đặc biệt là kế thừa tinh hoa văn hoá tư tưởng của nhân loại, bất kể đó là văn hoá, tư tưởng thời kỳ cổ đại, phong kiến hay thời kỳ tư bản chủ nghĩa, ở các nước phương Đông, hay là Phương Tây; kế thừa tinh hoa tư tưởng, văn hoá, đạo đức ở cả trong các tôn giáo lớn của nhân loại, nhằm vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng nước ta. Với cách nhìn chân lý là cái gì có lợi cho tổ quốc, cho nhân dân, Người chưa bao giờ bị các quan điểm biệt phái, hẹp hòi về chính trị chi phối cách đánh giá, nhận thức và sử dụng những giá trị tinh hoa của nhân loại, kể cả giá trị tinh hoa văn hoá, tư tưởng ở những nước đế quốc xâm lược nước ta như Pháp, Mỹ, v,v.
2- Cần có nghiên cứu tổng kết cấp quốc gia về việc nghiên cứu, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Khẳng định rõ và mở về việc tiếp tục phát triển nội dung tư tưởng, hệ thống quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước hết: Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư Trung ương Đảng, hoặc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần ra một Nghị quyết chuyên đề về các vấn đề liên quan đến việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác nghiên cứu, giáo dục, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong xã hội ta.
Cách đây 5 năm, ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 23-CT/TW “Về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”. Nghị quyết này mới chỉ chú ý nhấn mạnh việc nghiên cứu, giáo dục và tuyên truyền. Vấn đề bức xúc đặt ra hiện nay là vận dụng sáng tạo và tiếp tục bổ sung, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cách đây 2 năm, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trong Chỉ thị này đã chú trọng vấn đề “Làm theo” tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Chúng tôi cho rằng sắp tới đây, đến trước, hoặc sau Đại hội XI, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện 2 bản chỉ thị đó, Đảng ta cần ra một Nghị quyết chuyên đề trong đó nêu rõ yêu cầu không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nghiên cứu, giáo dục và tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn nêu rõ sự cần thiết nghiên cứu nhằm vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Nghị quyết cũng cần nêu rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, giải pháp, biện pháp và việc tổ chức thực hiện tất cả các nội dung nói trên. Để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này có hiệu quả cao, nên có một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, hoặc Bí thư Trung ương Đảng phụ trách, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết này.
Thứ hai: Cần tiếp tục sưu tầm, xác minh thêm các tư liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để công bố, xuất bản nhằm làm rõ hơn tầm vóc đồ sộ tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, đa số trong giới nghiên cứu và bạn đọc phổ thông mới được biết đến những tài liệu có tính chất gốc để nghiên cứu khai thác tư tưởng Hồ Chí Minh là 12 tập Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ hai, 10 tập Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử xuất bản lần thứ hai và một cuốn Hồ Chí Minh tiểu sử khá dày dặn (760 tr), xuất bản năm 2006, v,v,.
Song, trên thực tế, còn nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước, ngoài nước đến nay những người làm Toàn tập chưa sưu tầm được. Về các tài liệu liên quan đến tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc chắn còn nhiều thứ mà những người nghiên cứu và nhất là bạn đọc phổ thông chưa thể biết đến.
Thứ ba là: Ban Tuyên giáo Trung ương cần có sự phối hợp hoạt động với các viện, khoa nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong Học viện Chính trị –Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và trong các Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực I, II, III, IV và các Học viện, Trường Đại học, Cao đẳng khác trong việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện Nghị quyết nói trên.
3- Chú trọng hướng nghiên cứu vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới.
Đảng ta đã khẳng định rõ:
Đối với công tác lý luận cần ”Nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…Đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với triển khai sâu rộng, có hiệu quả cuộc vận động ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”2.
Riêng trên lĩnh vực tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy giới nghiên cứu khoa học đã làm khá tốt việc nghiên cứu, khái quát hoá, hệ thống hoá những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên những lĩnh vực cơ bản. Song, cũng còn có một số hạn chế nhất định. Thí dụ, trong nhiều công trình nghiên cứu, còn nặng về mô tả các quan điểm, tư tưởng của Người, hoặc minh hoạ các nhận định của Hồ Chí Minh, hoặc nhận định của Đảng ta về Hồ Chí Minh, v,v.
Trong giai đoạn tới để thực sự đi sâu vào nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh ở tầm khái quát cao hơn, dĩ nhiên là khó hơn, một hướng chủ yếu trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh cần là nghiên cứu việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Trên cơ sở nắm vững các quan điểm lý luận gắn với thực tiễn, lịch sử - cụ thể, toàn diện- hệ thống, kế thừa-phát triển, Thứ nhất: Cần làm rõ những giá trị bất biến, bền vững trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Dù hiện nay tình hình thế giới cũng như trên đất nước ta đã có nhiều thay đổi so với thời kỳ Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhưng có những quan điểm của Người có giá trị bất biến, có tính quy luật nên đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, và có thể vận dụng vào thực tiễn đổi mới.
Thứ hai: Cần làm rõ những vấn đề mà sinh thời Hồ Chí Minh mới chỉ đặt ra, có vấn đề chưa có điều kiện trình bày rõ, thậm chí có vấn đề chưa đề cập đến, nhưng ngày nay trên cơ sở phương pháp luận Mác- Lênin và Hồ Chí Minh, kết hợp với tổng kết thực tiễn Đổi mới và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài nên chúng ta có thể bổ sung và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trước mắt, tiếp tục làm rõ tính đúng đắn, tất yếu, sự cần thiết, cơ sở lý luận, thực tiễn của Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt là nghiên cứu các biện pháp giúp việc “Làm theo” tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành hiện thực phổ biến, sâu rộng, lâu dài trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta. Việc “Làm theo” đó cần được chỉ đạo thực hiện với phương châm Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Theo tinh thần cán bộ lãnh đạo, Đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước việc “Làm theo” tư tưởng Hồ Chí Minh, để cho quần chúng nhân dân noi theo thực hiện trong cuộc sống và hoạt động của mình.
Chỉ có đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh theo phương hướng đó, mới tránh được sự trùng lắp, lãng phí và hình thức, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh gắn bó với thực tiễn, được tiếp thêm sức sống mới của các thế hệ nối tiếp để trở thành ánh sáng định hướng, soi đường cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.
4- Đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống các Học viện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước , các Đoàn thể nhân dân và trong các Trường Đại học, Cao đẳng, các Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý của các Bộ, Ban, Ngành.
Gần đây, chương trình, nội dung giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường Đại học và Cao đẳng đang bị chỉ thị giảm đi từ 45 tiết xuống còn có 20 tiết. Chúng tôi cảm thấy điều đó dường như đi ngược lại với một nhu cầu từ thực tiễn là cần tăng cường hiểu biết một cách khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đây là một môn học góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, nhân cách, lối sống, cách ứng xử cho những người trẻ tuổi, nhất là sinh viên, thế mà lại bị giảm bớt đi. Có lẽ tư tưởng thực dụng trong đào tạo thế hệ trẻ chi phối việc làm này. Những kiến thức thuộc về “Chuyên” được tăng. Những tri thức làm ”Hồng” thế hệ trẻ, thì bị rút gọn. Việc này dường như đi ngược lại mục tiêu “Giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” mà Đảng mới vừa mới nêu ra. Có vẻ đây là một hiện tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong việc đẩy mạnh việc nghiên cứu, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chúng tôi hoạt động trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và Đoàn thể nhân dân, thỉnh thoảng tham gia các lớp bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh cho các cán bộ tuyên giáo, các giảng viên các Trường chính trị tỉnh và các trường Đại học cao đẳng, lại nhận được nhiều đề nghị về việc mở thường xuyên hơn các lớp đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh và mở rộng thêm chương trình, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lớp đó, để họ có một hiểu biết tương đối toàn diện, đầy đủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Do vậy, chúng tôi kiến nghị xem xét lại việc giảm bớt nội dung giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường Cao đẳng, Đại học như vậy có nên không? Trong lúc chưa sửa chữa ngay lại được việc này, xin đề nghị tăng thời lượng, mở rộng chương trình nội dung giảng dạy, học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trong các Học viện thuộc hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong các trường của các Đoàn thể, Quân đội, Cảnh sát nhân dân Việt Nam, Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý của các Bộ, Ban, Ngành,v,v. Bởi chính các cán bộ, học viên được đào tạo, bồi dưỡng ở những Học viện, Nhà trường nói trên cần phải có một bản lĩnh chính trị, một đạo đức, lối sống, và một phong cách làm việc đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thì bản thân mỗi học viên, cán bộ cũng như cả sự nghiệp Đổi mới của chúng ta mới có thể thành công rực rỡ.
5- Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống các Học viện, các Trường Đại học và Cao đẳng.
Hồ Chí Minh học, hiện nay được coi là một môn khoa học lý luận cơ bản ở nước ta. Nó có mã số khoa học là: 60 31 27. Đề nghị Đảng ta, mà trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện cho ngành khoa học này phát triển vững chắc. Đó là một cơ sở quan trọng để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh và công tác tư tưởng của Đảng ta. Ngành học này cần được đào tạo có hệ thống từ dưới lên, đến các cấp Đại học, Cao học và Chương trình Nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Hiện nay đã có một số khoá Đại học và Cao học chuyên ngành Hồ Chí Minh tốt nghiệp. Còn hệ Nghiên cứu sinh vẫn chưa được mở ra. Ở đây cần có sự chỉ đạo, giúp đỡ thiết thực để những khoá đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ về chuyên ngành Hồ Chí Minh học đạt chất lượng cao. Không có hiện tượng “học giả bằng thật” trong lĩnh vực này. Có một điều đáng mừng, chứng tỏ thế hệ trẻ và xã hội ta tích cực đón nhận ngành học này. Một bằng chứng là số học viên đăng ký học Cao học ngành Hồ Chí Minh học ở Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia năm học 2008-2009 này có số lượng rất lớn, chỉ đứng thứ hai trong tất cả các ngành học Cao học. Cụ thể là số học viên đăng ký thi Cao học ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đông sau ngành Luật là một môn học được coi là thời thượng, có triển vọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc đổi mới nội dung, chương trình môn tư tưởng Hồ Chí Minh đang được thực hiện trong Hệ thống Học viện Chính trị–Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Nhưng, theo chúng tôi, Ban Khoa giáo nên chủ động khuyến khích, thúc đẩy một khâu có tính đột phá trong nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là khuyến khích việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại vào việc dạy và học bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh. Chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảng dạy bằng hình thức powerpoint, và nhiều loại phương tiện khác nhau tuỳ nơi, tuỳ lúc, có thể có được, v,v,
Như chúng ta biết, ngày nay ngay cả các Đạo lớn trên thế giới cũng đang ra sức khắc phục hiện tượng “nhạt đạo”, khôi phục niềm tin tôn giáo trong quần chúng, mở rộng sự truyền bá các giáo lý của họ đến tất cả các vùng miền trên thế giới, đến cả tới các vùng sâu, vùng xa ở nước ta. Trong công việc truyền giảng giáo lý và niềm tin tôn giáo, họ đã tích cực sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng công nghệ thông tin, để giáo lý và niềm tin tôn giáo của họ có thể đi sâu vào lòng quần chúng nhân dân.
Trông thấy tình hình đó, lẽ nào chúng ta lại không khẳng định mạnh mẽ hơn rằng, bên cạnh việc kế thừa những cái hay của phương pháp diễn giảng truyền thống, cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các thành tựu khoa học hiện đại nhằm đi đến xoá bỏ cách dạy ”Thày đọc, trò ghi”. Thực hiện các phương pháp giảng dạy tích cực. Coi người học là trung tâm. Khuyến khích tính tích cực chủ động, tự học, tự nghiên cứu của người học. Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới phải chú ý đến sự phù hợp với từng cấp học, với từng đối tượng. Phương pháp giảng dạy và bài giảng phải sinh động, gắn liền với thực tiễn đất nước. Học viên ngay từ khi học phải hình thành mong muốn và khả năng ứng dụng kiến thức học được vào thực tế của học viên ở địa phương hoặc ngành nơi họ công tác.
Như vậy, trong thực tế phải đổi mới tư duy, triết lý giáo dục từ trong đội ngũ cán bộ giảng dạy và người quản lý, đổi mới cách học của người học. Đồng thời, các Học viện, Nhà trường phải có chính sách khuyến khích cải tiến tất cả các khâu trong quá trình dạy và học ở nhà trường. Thí dụ như: đổi mới cách thi cử, ra đề thi, chấm thi, quản lý học viên,v,v. Việc đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh được tiến hành một cách nghiêm túc, có chất lượng hiệu quả cao sẽ là một khâu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, giáo dục, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng và cả công tác tư tưởng nói chung của Đảng ta. Vì chính những cán bộ, học viên học ở những nơi nói trên, chính là đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định trong quá trình thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng.
Và, khi tư tưởng Hồ Chí Minh, một bộ phận trong Hồ Chí Minh học trở thành một khoa học, “nó đòi hỏi phải được đối xử như một khoa học”. Thái độ của những người cộng sản Việt Nam đối với tư tưởng Hồ Chí Minh cũng phải chính là thái độ khoa học và cách mạng như Mác, Ăng ghen đòi hỏi những người cộng sản đối xử với chủ nghĩa Mác - một hệ tư tưởng của một thời đại mới. Với chúng ta, tư tưỏng Hồ Chí Minh cũng cần phải được Đảng ta vận dụng, phát triển sáng tạo như một hệ tư tưởng, một chủ thuyết về sự phát triển bền vững của quốc gia dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XXI./.

CHÚ THÍCH:
*Tham luận tại Hội thảo Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng ta hiện nay, do NXB Chính trị quốc gia và báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức.
1- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm Ban chấp hành Trung ương Khóa X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr40.
2- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm Ban chấp hành Trung ương Khóa X, Sđd, tr 46.

Hà Nội, ngày 7-9-2008

1 nhận xét:

  1. Thầy Thắng kính mến!
    Cảm ơn những gợi mở tâm huyết của Thầy. Cháu nghĩ cần phải chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ nhà giáo giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh nữa. Vì hiện nay, phần nhiều giáo viên mới chỉ qua lớp 4 tháng hoặc 6 tháng nên chưa thật sự nắm chắc chuyên môn về Hồ Chí Minh học và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, cháu mạn phép gợi ý thêm vấn đề này để PGS quan tâm.
    Cháu: Nguyễn Văn Quang
    (http://nguyenquang213.blogspot.com)

    Trả lờiXóa