Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

PGS,TS NGUYỄN THẾ THẮNG - HỒ CHÍ MINH HỌC (Tiếp theo)

5
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÂN TỐ
NHÂN DÂN VÀ DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG
CHỐNG QUAN LIÊU, THAM NHŨNG

PGS,TS Nguyễn Thế Thắng
Ngay từ khi trở thành người đứng đầu Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc đấu tranh nhằm khắc phục các căn bệnh thường có của bộ máy nhà nước, đó là bệnh tham ô, lãng phí quan liêu. Người đặc biệt đề cao nhân tố nhân dân và dư luận xã hội trong lãnh đạo đấu tranh chống quan liêu tham nhũng. Tư tưởng của Người về vấn đề này đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị định hướng cho cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng và tệ quan liêu ở nước ta hiện nay.
Quan liêu, tham nhũng là giặc nội xâm, là kẻ thù của nhân dân.
Sinh thời Chủ tịch Hồ chí Minh chưa dùng từ tham nhũng, nhưng những nội dung mà Người nói về tham ô, chống tham ô, cơ bản là tinh thần nói về tham nhũng và chống tham nhũng ngày nay. Vì tham ô là hành động nguy hại nhất trong các hành vi tham nhũng. Trả lời câu hỏi Tham ô là gì? Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“ Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu nhiều mà khai ít, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế.” 1
“ Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư” 2.
Những hành động tham ô đó tương tự như là tham nhũng, theo định nghĩa của Liên hợp quốc:

Tham nhũng là sự lạm dụng quyền hạn Nhà nước để trục lợi cho mục đích cá nhân” 3.
Ban Tổng thư ký liên hợp quốc qua nghiên cứu tình hình tham nhũng ở các nước trên thế giới đã cho rằng, nội dung tham nhũng bao hàm các hành vi:
Một là, hành vi ăn cắp, tham ô và chiếm tài sản của Nhà nước mà chủ thể của những hành vi đó là những người có chức có quyền.
Hai là, lạm dụng chức quyền để trục lợi bất hợp pháp thông qua việc sử dụng các quy chế chính thức một cách không chính thức.
Ba là, sự mâu thuẫn, không cân đối giữa các lợi ích chính đáng do thực hiện nghĩa vụ xã hội với những món lợi tư riêng.
Theo Pháp lệnh chống tham nhũng của nước ta thì tham nhũng được định nghĩa như sau:
“Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức” 4.
Như vậy, có nhiều điểm tương đồng giữa tham ô và tham nhũng. Song, khái niệm tham nhũng hiện nay có rộng hơn khái niệm tham ô.
* Quan liêu là gì?
Quan liêu có hai nghĩa cơ bản.
Thứ nhất, theo nghĩa cũ đó là bộ máy quan lại hành chính.
Thứ hai, đó là cách lãnh đạo, chỉ đạo nặng về dùng mệnh lệnh, giấy tờ, xa thực tế, xa quần chúng.
Biểu hiện của tình trạng quan liêu là cán bộ, công chức không nắm vững chức năng, nhiệm vụ của mình; lề lối làm việc ì ạch, giấy tờ, mệnh lệnh, thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy công việc cho nhau, chọn “việc ngon” làm, đẩy “việc không ngon” cho người khác. Người quan liêu không sát thực tế, ngại đi cơ sở, nhất là đi vùng cao, vùng sâu, vùng xa; ngại tiếp xúc với nhân dân.Tham nhũng và quan liêu vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của nhau; quan liêu là điều kiện để tham nhũng tồn tại. Người mắc bệnh quan liêu thường là những cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu trách nhiệm, hách dịch, coi thường cấp dưới, coi thường quần chúng nhân dân. Thường là những cán bộ hợm mình, ích kỷ luôn cho mình là hơn người, nên những cán bộ quan liêu cũng dễ dàng đi vào con đường tham nhũng, thoái hóa, biến chất.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách” 5 .
Bệnh quan liêu là bệnh giấy tờ, bệnh hình thức, không thực tế, là xa cách quần chúng, không theo đường lối quần chúng, làm không đúng chính sách của Đảng, Nhà nước. Với Kinh nghiệm sâu sắc của nguời Lãnh đạo Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một cách vừa cụ thể, vừa khái quát các biểu hiện của bệnh quan liêu trên các phương diện đối với người, đối với công việc và đối với bản thân mình:
Đối với người:
Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với nhân dân, quân quan đối với binh sĩ, bộ đội đối với dân chúng - chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động.
Đối với việc:
Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.
Đối với mình: Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đường làm một nẻo.
Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí.
Một vẻ quan liêu nữa là: chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự cho mình.
Tham ô, hủ hoá. Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng” 6.
Người chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân” 7.
Tại sao vậy? Bởi vì: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần kiệm lêm chính. Hơn nữa, Tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù nguy hiểm. Vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “ Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ ”Giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình” 8.
Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra tham nhũng. Thực tế chứng tỏ rằng ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham nhũng. Nơi nào bệnh quan liêu càng nặng, nơi đó càng nhiều tham nhũng. Muốn triệt để chống tham nhũng thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu. Chống nạn tham nhũng cần đi đôi với chống tệ quan liêu.
Nhân dân là một nhân tố chính yếu quyết định thắng lợi trong chống quan liêu tham nhũng.
Phải chỉ ra đúng nguyên nhân của căn bệnh quan liêu, tham nhũng thì mới bốc đúng thuốc trị căn bệnh đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích có tham nhũng vì có quan liêu. Đồng thời, Người lại vạch rõ nguyên nhân chủ yếu của bệnh quan liêu là cán bộ, Đảng viên không coi trọng nhân tố nhân dân.
“ Bệnh quan liêu mệnh lệnh tự đâu mà ra?
Nguyên nhân bệnh ấy là:
Xa nhân dân: do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.
Khinh nhân dân: cho là “dân ngu khu đen”, bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.
Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.
Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được. Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực(lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.
Không yêu thương nhân dân: do đó họ chỉ bết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân.” 9
Từ những nguyên nhân nói trên, Người chỉ rõ: Cách chữa bệnh quan liêu từ cái gốc nhận thức tư tưởng, từ tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên. Là cán bộ đảng viên phải biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Sẵn sàng học hỏi nhân dân. Cán bộ, đảng viên không phải là quan cách mạng, họ phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.
Trong cuộc đấu tranh chống quan liêu tham nhũng, cán bộ đảng viên chẳng những phải tự mình sửa chữa bằng cách thực sự lấy dân làm gốc, đi đúng đường lối quần chúng, mà hơn nữa Đảng, Nhà nước cũng phải dựa vào quần chúng nhân dân là nơi có trăm tai nghìn mắt để giám sát cán bộ, đảng viên, mở rộng dân chủ, để nhân dân có thể tham gia một cách tích cực nhất vào cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, thì cuộc đấu tranh này mới có thể thành công.
Hiện nay, quan liêu, tham nhũng là quốc nạn, là vấn đề tưởng chừng như nan giải, càng chống càng thấy khó khăn và phức tạp, và dường như tệ quan liêu, tham nhũng không hề giảm sút. Theo đánh giá ngày 26-9-2007, của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI- Trasnparency International) về tình hình tham nhũng trên thế giới năm 2007 cho thấy tuy điểm của Việt Nam vẫn giữ nguyên ở mức 2,6 điểm (trên 10 là tối đa), nhưng vị trí của Việt Nam trên thế giới đã tụt từ hạng 111 trong năm 2006, xuống hạng 123 trong năm nay.
Trong tình hình nạn tham nhũng, tệ quan liêu đã nghiêm trọng, cần nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiếc chìa khoá vạn năng, có thể mở ra, giải quyết những vấn đề phức tạp, khó khăn nhất. Người thường nói, thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Dân chủ là dân làm chủ. Phải minh bạch trong các hoạt động kinh tế, xã hội, để dân biết, dân dám nói, dân dám bàn, dân có quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của bộ máy công quyền và cán bộ, đảng viên.
Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong. Đối với vấn đề chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí cũng vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ:
“ Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công.” 10
Quần chúng là toàn thể công nhân trong các doanh nghiệp, toàn thể nhân viên trong các cơ quan, là toàn thể nông dân, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, nói tóm lại là toàn thể nhân dân phải được vận động hưởng ứng phong trào chống Tham ô, lãng phí, quan liêu do Đảng , Nhà nước phát động. Đảng, Nhà nước cần xác định phải dựa vào nhân dân mà phát hiện, chống quan liêu, tham nhũng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“ Việc chống này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng.” 11
Chính trên cơ sở mở rộng dân chủ, động viên đông đảo quần chúng tham gia chống quan liêu, tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng báo chí phải tạo nên dư luận xã hội mạnh mẽ để tẩy sạch bệnh quan liêu, tham nhũng khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước ta.
Dư luận xã hội có sức mạnh to lớn. Cần lãnh đạo dư luận xã hội trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Với tư tưởng sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, nước lấy dân làm gốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng ý kiến của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội trong công tác lãnh đạo, quản lý xã hội, đất nước.
Người chỉ rõ:
“ Phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ. Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn quý báu và bổ ích.” 12
Người thường xuyên yêu cầu cán bộ phải biết lắng nghe, tập hợp ý kiến của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội làm cơ sở cho công tác lãnh đạo, cho việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ:
Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. “ Nghĩa là gom góp ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó có đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành.” 13
Trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng biện pháp lãnh đạo, phát động tư tưởng của quần chúng, tạo thành một dư luận xã hội rộng lớn, khinh ghét, lên án những kẻ quan liêu tham nhũng, giám sát hành động của các cán bộ, Đảng viên, khiến cho những hành vi quan liêu, tham nhũng không có cơ hội hoành hành. Người nói:
“ Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp.” 14
Để tạo thành dư luận xã hội mạnh mẽ, rộng rãi có định hướng chống tệ quan liêu tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng , Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vai trò của báo chí. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dầu bận trăm công nghìn việc, cũng đã viết nhiều bài báo, trong đó có những bài báo trở thành mẫu mực về nội dung và nghệ thuật chống bệnh quan liêu tham nhũng. Thí dụ như: Với bút danh X.Y.Z. Người viết bài Phải tẩy sạch bệnh quan liêu đăng báo Sự thật số 140, ngày 2-9-1950. Với bút danh C.B. Người viết bài Cần tẩy sạch Bệnh quan liêu mệnh lệnh, đăng báo Nhân dân, số 23, ngày 2-9-1951.
Đi đầu trong viết báo, lãnh đạo dư luận xã hội chống quan liêu, tham nhũng, Người phê bình báo chí hãy còn dụt dè, chưa dũng cảm trong cuộc chiến đấu chống lại tệ tham nhũng, quan liêu. Đồng thời còn yêu cầu các cơ quan bị báo chí phê bình thì phải trả lời, phải tự phê bình trước nhân dân. Ngày 31-7-1952, trên báo Nhân dân, Người vạch rõ:
“ Gần đây, nhân dân và báo chí đã bắt đầu (tuy còn e dè, thưa thớt) phê bình. Song những tổ chức hoặc cơ quan bị phê bình thì im lìm, không đăng báo tự phê bình, không tìm cách sửa chưa. Đó là thái độ” bưng mắt bắt chim”, thái độ ’’giấu bệnh sợ thuốc”, một thái độ không thật thà, không đứng đắn. Mong những ai, những cơ quan nào đã được nhân dân hoặc báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân trên báo chí” 15.
Quan tâm lãnh đạo dư luận xã hội chống tham nhũng một cách sâu sát, Người đã tổng kết nêu lên những bài học kinh nghiệm có tính nguyên tắc trong cuộc đấu tranh chống quan liêu tham nhũng như sau:
- Phải kết hợp chặt chẽ cuộc vận động chống quan liêu, tham nhũng với phong trào thi đua yêu nước.
- Phải liên hệ chặt chẽ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng.
- Cán bộ, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, xung phong thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình, có khuyết điểm thì quyết tâm sửa chữa.
- “ Phải mạnh dạn phát động quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.
- Đảng uỷ các cấp phải lãnh đạo chặt chẽ cuộc vận động. Thủ trưởng các ngành phải thật sự phụ trách cuộc vận động.
- Toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân, viên chức phải hăng hái tham gia cuộc vận động với tinh thần phấn khởi và chí khí quyết thắng”. 16
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chống quan liêu tham nhũng trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta thật sự là một cuộc vận động to lớn, bền bỉ có tính chất cách mạng. Nó đã đưa lại một sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về tư tưởng và tổ chức, chính trị và kinh tế. Nó thực sự có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Làm cho miền Bắc thật sự trở thành hậu phương lớn, vững mạnh chỗ dựa cho cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam, nhằm thực hiện cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Toàn bộ cuộc đấu tranh chống quan liêu tham nhũng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cùng với những kinh nghiệm dựa vào nhân dân, sử dụng báo chí, dư luận xã hội chống quan liêu tham nhũng để lại cho chúng ta định hướng và những bài học quý giá cho cuộc đấu tranh chống quan liêu tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo và thực hiện hôm nay.
Hiện nay, Theo tư tưởng Hồ Chí Minh và từ thực tế quan liêu, tham nhũng ở nước ta, Đảng và Nhà nước kiên quyết đấu tranh phòng chống tệ quan liêu, nạn tham nhũng. Hàng loạt chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, biện pháp về chống quan liêu, tham nhũng ra đời. Từ Chỉ thị số 64-CT/TW, ngày 10/10/1990 của Ban Bí thư (khóa VI) về lãnh đạo đấu tranh chống tham nhũng đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu (lần 2), Nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X cho đến Bộ luật hình sự được sửa đổi; Pháp lệnh chống tham nhũng; Pháp lệnh cán bộ, công chức; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Nhà nước được ban hành đã tạo cơ sở tư tưởng và pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng.
Thực hiện chủ trương của Đại hội X về việc kiên quyết đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Hội nghị lần thứ Ba Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận và quyết định ra Nghị quyết ”Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Trên cơ sở đánh giá tình hình, nguyên nhân của tệ tham nhũng, lãng phí hiện nay, Nghị quyết đã đề ra một hệ thống quan điểm giải pháp đồng bộ vừa cơ bản vừa lâu dài, vừa cấp bách để ngan chặn, đẩy lùi từng bước tham nhũng, lãng phí, để giữ vững lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ta, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng bộ máy Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức có kỷ cương, liêm chính.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: “ Chống tham nhũng, lãng phí là một cuộc đấu tranh vừa cấp bách, vừa có tính lâu dài, phức tạp...Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo của mình đối với cuộc đấu tranh này, đồng thời phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là phải dựa chắc vào nhân dân, đó là nhân tố chính yếu bảo đảm thành công” 17.
Theo tinh thần đó, cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí cần tiếp tục được tiến hành và là một bộ phận của công cuộc tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đảng ta tiếp tục kiên quyết chỉ đạo cuộc đấu tranh này. Trước hết, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kiên quyết khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Tiếp tục triển khai sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức trong toàn Đảng, toàn dân cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và tuân thủ pháp luật, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống và tệ tham nhũng, lãng phí trong Đảng, trong xã hội.
Báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tạo dư luận, ý thức xã hội phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời pháp luật trừng trị thích đáng những kẻ phạm tội tham nhũng. Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng lãng phí. Đề cao đạo đức cần kiệm liêm chính chí công vô tư, tôn vinh những tấm gương mẫu mực về cần kiệm liêm chính chí công vô tư.
Tăng cường sự giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử nhằm chống tham nhũng, quan liêu lãng phí. Tại các kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần chú ý lắng nghe các phản anh của nhân dân, tổ chức tốt việc chất vấn về công tác chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đảng lãnh đạo nhân dân, tin và dựa vào nhân dân mới có thể chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí thắng lợi./.

CHÚ THÍCH:
1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr488.
2- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T11, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr110.
3- GS,TS Nguyễn Xuân Yêm: tội phạm có tổ chức Maphia và toàn cầu hóa tội phạm, NXB Công an nhân dân, 2003, tr 1049.
4- Sổ tay pháp luật dành cho cán bộ công chức, NXB lao động, Hà Nội, 2001, tr 245.
5- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.574.
6- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.89.
7- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr 490.
8- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr 495.
9- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr 292-293.
10- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr 495.
11- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr 495.
12- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T10, Sđd, tr 578.
13- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 290.
14- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T10, Sđd, tr 576.
15- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, 534.
16- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T11, Sđd, tr111-112.
17- Đảng Cộng sản Việt nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ Ba Ban chấp hành trung ương khóa X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 44-49.
Theo bài in trong Tạp chí Cộng sản số tháng 7-2008

6
HỒ CHÍ MINH TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG
SÁNG NGỜI VỀ TIẾT KIỆM

PGS,TS Nguyễn Thế Thắng

Trong quan niệm về tiết kiệm của Hồ Chí Minh vừa có cách suy nghĩ truyền thống của người Việt Nam, vừa có những yếu tố rất mới, phù hợp với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và xây dựng phẩm chất, phong cách làm việc của người Việt Nam hiện đại
Người quan niệm CẦN với KIỆM, phải đi đôi với nhau như hai chân của một con người. Cần mà không Kiệm thì như gió vào nhà trống. Kiệm không phải là keo kiệt, bủn xỉn, coi đồng tiền to bằng cái trống. Kiệm là dè dặt, không xa sỉ, hoang phí. Kiệm là chi tiêu một cách hợp lý, khoa học. Việc không đáng tiêu, 1 xu cũng không tiêu. Vì những việc ích quốc, lợi dân, thì tốn bao nhiêu công của, cũng vui lòng. Việc đáng tiêu mà không tiêu là bủn xỉn, chứ không phải là tiết kiệm.
Nội dung tiết kiệm rất phong phú. Trước hết, mỗi người, mỗi đơn vị, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần Tiết kiệm sức lao động. Phải biết tổ chức công việc, hoặc cách làm cho khéo, phải làm việc có năng suất cao. Một người làm bằng hai, ba người. Không nên việc của một người, cũng phải hai, ba người làm. 1 đồng dùng giá trị, hiệu quả bằng 2, 3 đồng.
Tiết kiệm thời gian. Thời gian là tiền bạc. Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai vứt thời gian đi, là người ngu dại. Cần biết tiết kiệm thời gian của mình và tiết kiệm thời gian của người khác. Không nên "buôn dưa lê" vào lúc người ta cần làm việc. Tiết kiệm thời gian là 1 giờ làm xong công việc của 2 hoặc 3 giờ.
Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định "Thời gian quý lắm". Trong kháng chiến chống Pháp, một lần có 1 đồng chí cấp tướng đến làm việc với Chủ tịch, sai hẹn mất 15', vì lý do mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Người bảo:
Chú làm tướng mà chậm đi 15' thì bộ đội của chú sẽ hợp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay, chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.
Một lần khác, Chủ tịch và đồng bào phải đợi 1 đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp, Người hỏi: Chú đến chậm mấy phút?
- Thưa Bác chậm 10' ạ.
- Chú tính thế không đúng, 10' của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.
Người tự nêu Gương mẫu về đúng thời gian. Năm 1953, Chủ tịch đến thăm 1 lớp chỉnh huấn trí thức. Tin đến, mọi người hồi hộp chờ đón. Nhưng mây đen sập đến, trời tối sầm, mưa như trút nước. Mọi người lo lắng. Có lẽ mưa to thế này Người không đến được. Đang buồn bã, bỗng có tiếng reo: Bác đến. Mọi người thấy Hồ Chí Minh trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần xắn cao quá gối, đầu đội nón lội mưa bước tới.
Sau này, anh em biết giữa lúc Người đang chuẩn bị đi, thì trời đổ mưa to. Mọi người đề nghị cho báo hoãn. Chủ tịch không đồng ý, bảo:
"Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến bao giờ? Thà chỉ 1 mình Bác và 1 vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công".
Cần phải tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Người dạy: Muốn tiết kiệm được, phải khéo tổ chức. Tức là biết quản lý thời gian và công việc cho tốt. Việc đáng 5 người làm, không nên bố trí 10 người. Việc làm trong 1 năm xong, không nên kéo dài thành 2, 3 năm. Người tâm sự:
- Ăn sang, mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo, là xa sỉ.
- Là Chủ tịch của 1 nước nghèo, người ta có tôn trọng hay không, không phải do ăn sang mặc đẹp.
Khi đi nước ngoài, vẫn chỉ mặc bộ đồ ka ki, có lúc đi dép cao xu, nhưng đến đâu Người cũng được các nhà lãnh đạo và nhân dân các nước bạn kính trọng. Nhất là khi Chủ tịch trực tiếp nói chuyện thân mật với họ bằng chính tiếng nước họ một cách chuẩn xác
Ai cần tiết kiệm? Chủ tịch Hồ chí Minh khẳng định: Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước hết là các cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ đội, các xí nghiệp, v,v. Cần tiết kiệm ngay trong lúc làm các công việc cụ thể của mình. Cơ quan tiết kiệm điện, nước, giấy, bút, mực, các loại văn phòng phẩm, v,v. Xí nghiệp, nhà máy, tiết kiệm nguyên vật liệu, bảo vệ nhà xưởng. Bộ đội thì tiết kiệm đạn, quân nhu, chiến lợi phẩm, v,v.
Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia nếu lười biếng, xa xỉ sẽ nghèo nàn, suy yếu. Nếu cần kiệm sẽ thoát khỏi nghèo nàn, có thể trở thành giàu mạnh. Cần kiệm là triết lý về thành bại của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia.
Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực thực hành tiết kiệm. Từ thuở thanh niên ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, anh đã làm nhiều nghề để kiếm sống. Đồng thời, tiết kiệm, dành thời gian, tiền của để học ngoại ngữ, tìm hiểu thời cuộc, nghiên cứu lý luận cách mạng, tham gia các hoạt động chính trị-xã hội.
Đến khi thành vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người sống giản dị, tiết kiệm, tăng gia sản xuất cùng anh em bảo vệ. Năm 1954, từ chiến khu Việt Bắc Người cùng với Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Cán bộ ta đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh lên ở Phủ Chủ tịch (Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ). Người nói "Hôi lắm". Anh em cán bộ, nhân viên thu dọn phòng, làm vệ sinh rất sạch sẽ, rồi đề nghị Người lên ở. Trả lời rằng: Hôi là hôi cái "Toàn quyền". Người vẫn ở trong ngôi nhà của thợ điện.
Đến 1958, Phần lớn cán bộ ta đã có nhà ở theo tiêu chuẩn. Đoàn 590 của Quân đội được Trung ương giao xây nhà cho Chủ tịch. Xem bản thiết kế, Người hỏi:
- Các chú làm nhà cho ai đấy?
- Thưa Bác, chúng cháu làm nhà cho Bác ở ạ.
- Các chú làm nhà to các chú ở. Làm nhà cho Bác làm nhỏ thôi.
Sau đó, Đoàn 590 làm chiếc nhà sàn bằng gỗ mộc bình thường. Tầng trên chỉ có 2 phòng, mỗi phòng hơn 9 m 2 . 1 phòng ngủ, 1 phòng làm việc. Tầng dưới không có tường, kê bàn ghế để thỉnh thoảng Người họp Bộ chính trị, hoặc tiếp các cháu thiếu nhi. Người đã từng tiếp nhiều chính khách hoặc các trí thức nước ngoài tại nhà sàn, ở ngôi nhà đó cho đến những ngày cuối đời. Khách đến thăm nhà, ai cũng đều cảm phục vị lãnh tụ cao nhất của một quốc gia có đời sống bình thường, giản dị trong ngôi nhà với trang thiết bị của một người bình dân.
Người là tấm gương sáng về Tiết kiệm tiền của, thời gian của cán bộ, nhân dân. Tháng 3 năm 1945, 28 vạn dân Thái Bình chết đói, hàng chục nghìn gia đình tha phương cầu thực. Thương dân Thái Bình dưới chế độ cũ bị đói rách, lại bị nạn vỡ đê. Nên sau Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I, tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về chỉ đạo Thái Bình khắc phục khó khăn, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.
Người cùng Phái đoàn Chính phủ đến tận nơi vỡ đê ở làng Đìa, Huyện Hưng Nhân. Đứng lặng hồi lâu nhìn bốn bề nước ngập trắng xoá với những nhà dân xiêu vẹo, Người nói với cán bộ lãnh đạo Tỉnh Thái Bình: "Trước mắt phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cứu đói. Không được để dân đói. Dân đói là Chính phủ có lỗi".
Chiều tối, Phái đoàn về đến tỉnh lỵ. Chủ tịch tỉnh Thái Bình Ngô Duy Cảo mời cơm. Người xua tay:
- Đi thăm tỉnh lụt, dân đói, còn ăn uống gì?
Đã chuẩn bị cơm nắm mang theo, Người không dùng tiệc chiêu đãi của tỉnh vì thương bà con nhân dân đói rách.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ chí Minh viết nhiều bài, lời kêu gọi, nhắc nhở cán bộ, Đảng viên, nhân dân ta đi đôi với tăng gia sản xuất, cần thực hành tiết kiệm. Không nên hơi một tý cũng cờ quạt linh đình, mổ bò liên hoan, như thế là không kiệm. Tiền của Hợp tác xã chỉ nên dùng vào việc gì có lợi ích thiết thực nhất. Phải tiết kiệm của công. Đó không phải là tiền chùa, mà là đóng góp bằng mồ hôi của dân, xương máu của bộ đội và chiến sĩ. "Nếu 1 miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng 1 tờ giấy to". "Cưới hỏi, giỗ tết nên giản đơn, tiết kiệm". Tiết kiệm thời gian. Họp hành phải đúng giờ.
Đất nước ta còn nghèo, nên tất cả mọi người đều cần Tiết kiệm để xây dựng đất nước giàu mạnh, vì hạnh phúc của chính mình. "Không kiệm thì làm được bao nhiêu, dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất ít". Tiết kiệm: Đem tiền của tiết kiệm, tích trữ được, mua máy móc hiện đại, để sửa đổi nghề nông, mở mang công nghệ, thì đời sống nhân dân mới có thể phong lưu. Tiết kiệm là yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.
Không chỉ trong đời sống việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn tiết kiệm ngay trong sự chuẩn bị cho cái chết của bản thân mình. Về những nghi thức khi trở về thế giới bên kia, Di chúc rằng:
" Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ tiền bạc của nhân dân"1.
Đó chính là tâm hồn cao thượng của MỘT CON NGƯỜI suốt đời vì dân, vì nước. Khiêm tốn, tiết kiệm, giản dị và trong sạch. Người dặn: "Thi hài tôi được đốt đi, tức là "hoả táng". Tôi mong rằng cách "hoả táng" sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn." 2
Tâm nguyện của Người:
" Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc, Một hộp cho miền Trung, Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi"3.
Căn dặn của Người:
" Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng 1 vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp"4.
Đó là tâm tình của một con người đến khi mất vẫn muốn lấy thân mình phục vụ cách mạng, nhân dân và đất nước. Không muốn nhân dân tốn kém cho mình. Mà mong muốn thiết tha rằng: cán bộ, nhân dân ta hăng hái tăng gia, sản xuất có năng suất cao, chất lượng tốt. Đồng thời, thực hành tiết kiệm. Mục đích tiết kiệm của tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh thực là cao đẹp. Trước đây, tiết kiệm là dành tiền của, tăng sức mạnh cho kháng chiến, kiến quốc. Ngày nay, Tiết kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tiết kiệm để tích luỹ vốn, đầu tư tái sản xuất mở rộng, sớm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, trở nên giàu mạnh, nhân dân thực sự được tự do, ấm no và hạnh phúc.

CHÚ THÍCH:
1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.512.
2,3,4- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T12, Sđd, tr 501; 501; 502.
Theo bài in trong Tạp chí Hàng hải Việt Nam số tháng8-2008./.


7
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC
TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI.
PGS,TS Nguyễn Thế Thắng*

Sau chiến thắng Việt Bắc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1947, Ban chấp hành trung ương Đảng ta ra chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước, động viên toàn dân ta kháng chiến, kiến quốc. Nhân dịp 1000 ngày kháng chiến toàn quốc, Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước. Người thường xuyên quan tâm lãnh đạo, động viên phong trào thi đua yêu nước trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Phong trào thi đua yêu nước đã trở thành một nguồn động lực thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp, sự nghiệp xây dựng xã hội mới và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi. Sau đó, có một thời gian, phong trào thi đua yêu nước tạm thời lắng xuống. Song, đến những năm gần đây, Phong trào thi đua đã thực sự góp một phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Năm nay, trong dịp kỷ niệm 60 năm ra đời LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy rõ thêm chiều sâu tư tưởng, tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động phong trào yêu nước. Tiếp tục vận dụng sáng tạo của tư tưởng của Người về Thi đua yêu nước, làm dấy lên những phong trào yêu nước sâu rộng, thường xuyên, là một phương thức cần thiết nhằm tạo ra một động lực phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam vượt qua thử thách, sớm thoát khỏi tình trạng một nước kém phát triển, tạo đà đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
1- Trước hết, cần làm cho cán bộ, Đảng viên các cấp và nhân dân thấy rõ tầm quan trọng và tính tất yếu của thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước đây, trong thời kỳ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú ý phê phán, nhắc nhở nơi này, nơi khác chưa nhận thấy hết tầm quan trọng của việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước. Ngày nay, khi mới bước sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng từng có nhận thức sai lầm, cho rằng thi đua không còn quan trọng như trước đây. Trong kinh tế thị trường cứ mạnh ai người ấy làm, chỉ cần cạnh tranh lành mạnh. Ban thi đua-khen thưởng Trung ương cũng bị giải tán. Sau đó, Ban thi đua-khen thưởng được tái lập, đến năm 2003, Nhà nước đã ban hành Luật Thi đua khen thưởng. Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI, thứ VII được tổ chức. Phong trào thi đua lại tiếp tục được tổ chức. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta vẫn cần làm cho các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, Đảng viên và nhân dân thấy thật rõ tầm quan trọng không thể thiếu, tính tất yếu của thi đua trên con đường Việt Nam bứt lên, thoát khỏi đói nghèo, phát triển và cất cánh..
Theo Hồ Chí Minh, thi đua là tất yếu vì nền tảng của nó là "công việc hàng ngày của tất cả mọi người". Trước đây, thi đua kháng chiến, kiến quốc thành công, ngày nay, thi đua nhằm làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Người khẳng định rõ:
"Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ do nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua. .Phong trào thi đua yêu nước ở ta ngày càng phát triển vì nhân dân ta làm chủ nước nhà"1.
Trong xây dựng xã hội mới, thi đua là tất yếu. Thi đua là bản tính con người. Bản chất con người luôn vươn tới cái tốt đẹp và tốt đẹp hơn. Không chịu bằng lòng với cái đã có, Thi đua làm cho cuộc sống phát triển không ngừng.
Phát động phong trào thi đua yêu nước phù hợp với quy luật phát triển đất nước hiện nay. Kinh tế thị trường không gây trở ngại cho phong trào thi đua yêu nước mà ngược lại thúc đẩy phong trào phát triển. Bởi vì, kinh tế thị trường của ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính trong cơ chế thị trường này, mới có điều kiện kết hợp chặt chẽ hai loại động lực: tinh thần và vật chất, nhằm tạo nên sức mạnh nội sinh của phong trào. Thi đua không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi công dân, mỗi Đảng viên.
2- Phát huy truyền thống yêu nước trong mỗi người Việt Nam tạo thành phong trào thi đua chấn hưng đất nước, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu.
Chủ tịch Hồ chí Minh coi tinh thần yêu nước của người Việt Nam là nguồn động lực, sức mạnh dân tộc. Nhưng bình thường, tinh thần yêu nước như một thứ của quý để sâu trong rương hòm. Để khơi dậy được tinh thần yêu nước đó, cần có phong trào thi đua yêu nước. Phong trào thi đua yêu nước biến tinh thần yêu nước của người Việt Nam thành một động lực to lớn đưa dân tộc ta vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thiên tai, địch hoạ. Vấn đề đặt ra với Đảng, Nhà nước là phải tạo ra được các phong trào thi đua như Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu. Đừng "tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời"2. Mà thi đua là vấn đề chiến lược lâu dài, là hiện tại mà cũng là tương lai của nước nhà. " Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm nào"3 Do đó: "Người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều"4 .
Người quan niệm thi đua ở tầm tư tưởng, đường lối chính trị. và là phẩm chất đạo đức của người yêu nước. Còn với Đảng, Nhà nước cần lấy thi đua làm phương thức phát huy lòng yêu nước tiềm tàng trong con người Việt Nam. Thi đua là phương pháp cách mạng mang bản sắc, truyền thống dân tộc. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày nay nhận thức về vai trò của thi đua phải được nhìn nhận ở tầm chiến lược phát triển của đất nước trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Phải bằng các phong trào thi đua phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển kinh tế văn hoá một cách bền vững. Quyết đến năm 2010, nước ta thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển. Đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu không đạt được như vậy, thì chưa biết đến khi nào chúng ta mới trở thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Ngày nay, không thể có tinh thần yêu nước chung chung. Phải như lời Hồ Chí Minh: " Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất".5
3- Theo tư tưởng Hồ Chí Minh phát động các phong trào thi đua thiết thực, toàn diện, trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, trong tất cả các ngành, các cấp, các địa phương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
"Người người thi đua,
Ngành ngành thi đua,
Ngày ngày thi đua"6.
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, phong trào thi đua cần phải được tổ chức một cách thiết thực, sâu rộng và bao quát được toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể, các lực lượng vũ trang. Thi đua là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi cấp, không phân biệt già trẻ gái trai. Chú ý tính nhân dân, tính phổ biến trong các chủ trương thi đua của Hồ Chí Minh. Thi đua là vì dân, cho nên phải trở thành bổn phận của dân.
Thi đua phải có mục đích, mục tiêu. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập tự do"7.
Hiện nay, mục tiêu thi đua phải bám vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp. Các phong trào thi đua yêu nước phải có mục đích, mục tiêu cụ thể, thiết thực, gắn chặt với lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập, chiến đấu của từng ngành, giới, vùng, miền, địa phương, lứa tuổi,v,v. Có mục đích trước mắt, mục đích lâu dài. Trước mắt, mục tiêu của các phong trào thi đua cần gắn chặt với việc chống lạm phát, không để tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2008 quá giảm sút, động viên, toàn Đảng, toàn dân, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để đến năm 2010, nước ta thoát khỏi tình trạng một nước kém phát triển. Đến năm 2020, trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
4- Thi đua cần kiệm, tăng năng suất lao động đi đôi với chống quan liêu, tham ô và lãng phí.
Với phương châm Xây đi đôi với Chống, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm trong kháng chiến chống Pháp, phong trào 3 xây, 3 chống: "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ để xây được 3 cái tốt là ý thức trách nhiệm cao, quản lý kinh tế tài chính tốt và cải tiến kỹ thuật, cần tích cực chống 3 thứ "giặc ở trong lòng" là tệ tham ô, bệnh quan liêu và nạn lãng phí. Người phân tích hết sức sâu sắc tính nguy hiểm và tác hại ghê gớm của 3 loại "giặc nội xâm" này và cho rằng phải phát động phong trào của quần chúng thi đua chống giặc nội xâm như là thi đua chống giặc ngoại xâm. Yêu nước thì phải chống tham ô lãng phí, quan liêu như truyền thống dũng cảm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cuộc chiến đấu cực kỳ gay go, phức tạp. Đảng, Nhà nước phải biết dựa vào dân để chống quan liêu, tham ô, lãng phí.
Người chỉ rõ:
" Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ...
Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận."8
"Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ...
Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công"9.
5- Kịp thời khen thưởng, động viên. Khen thưởng đúng người đúng việc, chống báo cáo láo, khen không đúng người đúng việc.
Theo dõi sát các phong trào thi đua từ các địa phương cơ sở, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đọc báo thường ghi lại các tấm gương người tốt, việc tốt mà các báo trung ương và địa phương đăng. Sau đó, yêu cầu điều tra, xác minh lại, thấy đúng sự thật là Người gửi thư, bằng khen, huy hiệu hoặc quà để kịp thời động viên, cổ vũ các tấm gương người tốt việc tốt. Nhằm lấy các gương tốt có thật trong cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân để giáo dục lẫn nhau. Bồi dưỡng nêu gương người tốt việc tốt. Bởi những sự thật tốt đẹp đó có tác dụng giáo dục con người, thúc đẩy phong trào thi đua, xây dựng Đảng rất tốt. Thi đua yêu nước là trường học bồi dưỡng, xây dựng con người mới. đảng, Nhà nước bằng phong trào thi đua, đưa đông đảo quần chúng vào hoạt động thực tiễn sôi nổi, phát triển lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.
Người phê phán các cấp uỷ Đảng, chính quyền hoặc cán bộ: "Không chịu theo dõi việc làm hằng ngày của cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân. Ai làm tốt không kịp thời nêu gương, ai làm xấu không kịp thời giúp đỡ sửa chữa"10. Người phê phán tình trạng báo cáo không trung thực - bệnh thành tích trong phong trào thi đua: "Báo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến"11.
Theo tư tưởng của Người, ngày nay thi đua, báo cáo thành tích phải trên cơ sở lòng trung thực, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, không dung thứ cách làm gian dối, tô hồng thực trạng, che giấu sai hỏng, nói vống công lao, thậm chí nặn ra thành tích giả tạo. Để đạt yêu cầu này, công tác khen thưởng phải thật sự nghiêm túc, đánh giá đúng thành tích, không cảm tình, nể nang và kiên quyết chống các hành vi sách nhiễu, mua chuộc.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và cải tiến thủ tục, quy trình xét khen thưởng, thực hiện công khai, dân chủ, kịp thời và đảm bảo tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng. Quan trọng là phải theo sát các phong trào thi đua để có đánh giá đúng. Xây dựng ban hành các quy định cụ thể để thực hiện luật thi đua khen thưởng và tặng thưởng huân chương, huy chương. Kiên quyết chống tiêu cực và bệnh hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng.
Trong thực tế và tại các Đại hội thi đua toàn quốc, có rất nhiều con người từ các nhà khoa học, các bác sĩ, kỹ sư đến ngưòi nông dân, công nhân, họ lao động, cống hiến với cả tấm lòng, cả trách nhiệm của mình. Họ luôn xứng đáng là những anh hùng, chiến sĩ thi đua.
Chỉ có những người háo danh, ham chức mới tự thổi phồng thành tích của mình. Có nơi mới được phong anh hùng, có người người được tôn vinh, nhưng sau đó lại phát hiện ra có tiêu cực. Vì thế, hệ thống làm công tác thi đua khen thưởng, các cấp uỷ đảng và chính quyền phải lựa chọn cho chính xác những tập thể, cá nhân thực sự tiêu biểu để khen thưởng và tôn vinh.
Điều đáng sợ nhất trong công tác thi đua khen thưởng là khen thưởng không chính xác. Khen thưởng phải rất công khai, dân chủ, trong đó, quan trọng nhất là quần chúng có tôn vinh người được khen thưởng hay không. Phải hết sức tránh tình trạng cá nhân hay tập thể được tuyên dương, khen thưởng ở hội trường nhưng bên ngoài quần chúng nói không xứng đáng.
Công tác thi đua- khen thưởng phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo quần chúng nhân dân, khen thưởng phải cho đúng, cho trúng, chú trọng khen thưởng đột xuất, từ đó nhân rộng cá nhân, điển hình tiên tiến để cổ vũ, động viên mọi ngưòi học tập làm theo. Cần kịp thời phát hiện sớm những tấm gương người tốt việc tốt điển hình, khen thưởng đột xuất ngay để động viên kịp thời và sớm nhân rộng các điển hình xuất sắc.
Khen thưởng ngay các hành động anh hùng, tấm gương anh hùng trong hoạn nạn, bão lũ, trong chiến đấu chống lại các loại tội phạm, kịp thời động viên phong trào, góp phần tạo động lực, sức mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội.của đất nước.
Mỗi ngành, mỗi địa phương xác định nhiệm vụ cụ thể, từ đó xây dựng điển hình tiên tiến, kịp thời tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tập thể xuất sắc. Bộ máy và năng lực đội ngũ cán bộ công tác thi đua khen thưởng cần tiếp tục được kiện toàn, nâng cao năng lực trình độ.
Nghiên cứu mở rộng các hình thức khen thưởng ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Lựa chọn đúng người, đúng tiêu chuẩn xứng đáng với danh hiệu, vinh dự của các hình thức khen thương của nhà nước.
6- Trách nhiệm, phương pháp lãnh đạo phong trào thi đua. Chủ tịch Hồ Chí minh khẳng định rõ: "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng"12. Cần có sự lãnh đạo thống nhất, có sự phối hợp giữa Đảng, Chính quyền với Đoàn thể và nhân dân để đẩy mạnh phong trào thi đua, thường xuyên, liên tục. Lãnh đạo phong trào thi đua là trách nhiệm của người lãnh đạo và các cơ quan lãnh đạo.
Theo tư tưởng đó, ngày nay phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp, nhất là người đứng đầu Hội đồng thi đua trong toàn quốc, cũng như ở các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, phải nhiệt tình thực hiện kiểm tra, đôn đốc các phong trào thi đua.
Phải làm cho phong trào thi đua yêu nước ngày càng mang tính quần chúng rộng rãi và đạt hiệu quả ngày càng cao. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh theo đúng pháp luật đi đôi với thi đua, hợp tác, học hỏi lẫn nhau. Thi đua đi đôi với đoàn kết, ngăn ngừa tình trạng đố kỵ, chèn ép, kìm hãm lẫn nhau. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
" Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi"13
Cần quan tâm phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng điển hình tiên tiến và nhân rộng các điển hình thông qua việc tổng kết và phát động phong trào học tập các điển hình tiên tiến.
Phong trào thi đua phải hướng vào xây dựng con người hết lòng phục vụ nhân dân, tinh thông nghiệp vụ, công tâm, liêm khiết, được nhân dân tin cậy.
Coi trọng vai trò tổ chức thi đua của các đoàn thể quần chúng, các Hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng, cổ vũ tuyên dương người tốt việc tốt kịp thời. Tập trung chỉ đạo xây dựng điển hình và nhân điển hình tiên tiến. Mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi đơn vị cần xây dựng và lựa chọn được điển hình tốt, tiêu biểu toàn diện hoặc về từng mặt của địa phương, đơn vị để nêu gương học tập, đồng thời góp phần tổng kết những điển hình tiên tiến toàn quốc. Tổ chức tốt các Đại hội tổng kết phong trào thi đua từ địa phương cho đến toàn quốc. Hệ thống thông tin đaịu chúng, đặc biệt là đài truyền hình kịp thời tổng kết, phổ biến các điển hình tiên tiến.

KẾT LUẬN
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một di sản tư tưởng quý báu giàu giá trị lý luận và thực tiễn về tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước. Vận dụng sảng tạo, phát triển tư tưởng Hồ chí Minh về thi đua trong thực tiễn sự nghiệp đổi mới làm dấy lên phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc, cũng như ở mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân của cả hệ thống chính trị sôi nổi, mạnh mẽ, tạo ra một động lực to lớn đưa đất nước ta thoát khỏi những khó khăn thách thức. Đó thực sự là những hoạt động thiết thực góp phần thực hiện hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chấn hưng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh có thể sánh vai tiến bước cùng các cường quốc năm châu.

CHÚ THÍCH:
* Tham luận tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, do Ban Thi đua khen thưởng và một số cơ quan hữu quan tổ chức.
1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T9, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.198-199.
2- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr658.
3- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 236.
4- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr.236.
5- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr 473.
6- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T5, Sđd, tr. 556.
7- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr. 236.
8,9- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr. 490; tr. 494-495.
10- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 549.
11- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T5, Sđd, tr. tr. 302.
12- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr270.
13- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr.270.
Hà Nội, tháng 6- 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét