Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

PGS,TS NGUYỄN THẾ THẮNG - HỒ CHÍ MINH HỌC (Tiếp theo)

2
TÍNH TẤT YẾU CỦA VIỆC VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
VÀO GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

PGS,TS Nguyễn Thế Thắng

Thế giới ngày nay xuất hiện nhiều đặc điểm mới tác động mạnh mẽ đến nền giáo dục và công tác giáo dục lý luận chính trị. Trước hết đó là cuộc cách mạng khoa học-công nghệ đang phát triển vũ bão. Nó đưa thế giới từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh thông tin. Hàng ngày nó cung cấp cho nhân loại một lượng kiến thức khổng lồ mà trước đây chưa từng có. Nó làm thay đổi bộ mặt tinh thần và cơ sở vật chất của đời sống xã hội.
Cách mạng khoa học và công nghệ tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế. Trong quá trình toàn cầu hoá xuất hiện cạnh tranh kinh tế quyết liệt giữa các quốc gia. Do vậy, bộ máy đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, nguồn nhân lực của bất cứ nước nào cũng phải cố cung cấp cho xã hội những sản phẩm con người chất lượng cao, thì quốc gia mới có thể có điều kiện cạnh tranh thắng lợi. Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế tạo thách thức với nền giáo dục của mỗi nước, đặc biệt thách thức công tác giáo dục lý luận chính trị trong các nước xã hội chủ nghĩa.
Trong thế giới đương đại, nhất là từ sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận chính trị hết sức gay gắt và quyết liệt. Những kẻ thù địch về tư tưởng, lý luận chính trị huy động một lực lượng lớn về trí tuệ và vật chất cho cuộc đấu tranh này, nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng của chế độ xã hội chủ nghĩa, phá hoại niềm tin của nhân dân vào Đảng cộng sản lãnh đạo, đi đến đánh sập chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cuộc đấu tranh tư tưởng –lý luận giữa các lực lượng phản động với chủ nghĩa xã hội diễn ra trên quy mô toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trọng điểm. Bởi Việt Nam là nước đang kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và giành được những thành tựu rất đáng kể trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một trọng điểm lý luận chính trị mà các thế lực thù địch ra sức tấn công, đả kích chính là vấn đề cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền con người, vấn đề dân chủ, sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời với việc hướng tiến công đó, kẻ thù ra sức xuyên tạc lịch sử, bôi bác chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nói xấu Đảng, gây mất đoàn kết nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Chúng hòng làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mất ảnh hưởng trong thế hệ trẻ.
Hòng làm cho cán bộ, nhân dân từng bước xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, kẻ thù ra sức truyền bá tư tưởng tư sản, tuyên truyền dân chủ, tự do kiểu tư sản, lối sống thực dụng, hưởng lạc, đề cao cá nhân,v,v. Cùng với việc đó, chúng còn gieo rắc sự hoài nghi, tâm lý bất mãn, sự bất bình trong các tầng lớp nhân dân, kích động mâu thuẫn nội bộ trong Đảng, các cơ quan nhà nước, mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, lôi kéo tập hợp những phần tử bất mãn cơ hội, chống đối, phản động, tạo dựng ngọn cờ, cố gắng hình thành những lực lượng đối lập để khi có thời cơ thì giành chính quyền bằng “đấu tranh nghị trường” hoặc bạo loạn, lật đổ.
Chúng ta cần tiến hành đấu tranh tư tưởng lý luận nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của dân tộc và an ninh quốc gia. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng đó, công tác giáo dục lý luận chính trị phải là một mũi xung kích, một mặt nhằm đánh bại âm mưu phá hoại về tư tưởng của địch, mặt khác, nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, phát triển tư duy lý luận cho cán bộ, Đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp các ngành lên ngang tầm thời cuộc. Khiến họ có khả năng miễn dịch, tự bảo vệ trước những đòn tiến công nguy hiểm của kẻ thù trên trận tuyến đấu tranh tư tưởng-lý luận hiện nay.
Sứ mệnh lịch sử của Đảng cầm quyền trong bối cảnh lịch sử mới đòi hỏi phải vừa trung thành, vừa vận dụng, bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác giáo dục lý luận chính trị. Hiện nay, để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi, Đảng ta phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, coi đó là nhân tố then chốt quyết định sự sống còn, thắng lợi của của sự nghiệp đổi mới nói chung và sự nghiệp đổi mới giáo dục nói riêng.
Thực hiện sứ mệnh đó, một trong những công việc “gốc” của Đảng là đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị nhằm nâng cao tính tiên phong, bản lĩnh chính trị của cán bộ Đảng viên, nâng cao trình độ lý luận của toàn Đảng.
Công tác giáo dục lý luận chính trị phải góp phần tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Giáo dục lý luận chính trị phải góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Góp phần ngăn chặn, từng buớc đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, khắc phục tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên.
Công tác giáo dục lý luận chính trị phải góp phần thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận về chính trị trong nhân dân. Giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục lý luận chính trị nhằm bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, khẳng định vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hoá và đạo đức, thể hiện vai trò của Đảng là đi trước, mở đường trong sự nghiệp đổi mới.
Việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong tình hình hiện nay, trước hết nhằm vào việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc, những tinh hoa văn hoá thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị góp phần thiết thực vào việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Muốn vậy, trong tình hình thế giới và trong nước đều có nhiều đổi thay và đổi mới, cần làm rõ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin. Làm rõ những giá trị bất biến của tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn nữa, phải làm rõ những vấn đề cần bổ sung, phát triển trong chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn của đất nước và thời đại hiện nay.
Công tác giáo dục lý luận chính trị, trong đó có một bộ phận quan trọng là giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cần gắn với việc triển khai sâu rộng có hiệu quả cuộc vận động”Học tập và làm theo tư tưởng Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị Đảng ta phát động, triển khai trong suốt nhiệm kỳ Đại hội X.
Những đặc điểm mới của thời đại tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Công tác giáo dục trước tình hình mới phải đổi mới cả về chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục. Nhưng tất cả những vấn đề cơ bản đó của giáo dục cần được đổi mới trên cơ sở triết lý nào, trên nền tảng tư tưởng nào? Đó chính là vấn đề mà các nhà khoa học, những người có tâm huyết với giáo dục trong xã hội ta hiện nay rất quan tâm, có nhiều ý kiến khác nhau.
Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta hiện nay đều cần có sự học hỏi, nghiên cứu những kinh nghiệm, thành tựu văn hoá tư tưởng của dân tộc, của nhân loại và việc đó không thể không thể không đứng vững trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lĩnh vực giáo dục cũng vậy. Việc đổi mới tư duy, triết lý giáo dục đều cần đặt trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là một chủ thuyết phát triển của dân tộc ta trong thế kỷ XXI này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thày giáo vĩ đại, một nhà giáo dục tài năng. Những quan điểm tư tưởng của Người về giáo dục là một bộ phận quan trọng trong hệ thống các quan điểm toàn diện của Người về cách mạng Việt Nam.
Trên các diễn đàn về giáo dục thời gian qua, nổi lên vấn đề đi tìm triết lý gíao dục cho sự đổi mới nền giáo dục Việt Nam. Theo tôi, có thể hình thành nên một triết lý cho nền giáo dục nói chung, cũng như cho công tác giáo dục lý luận chính trị-hành chính, từ việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, kết hợp với quán triệt các quan điểm cơ bản của Đảng ta về giáo dục và tiếp biến chọn lọc lý luận, kinh nghiệm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các nước trên thế giới hiện nay. Đây là một vấn đề lớn, không phải một sớm một chiều có thể hoàn thành ngay. Ở đây mới chỉ là những suy nghĩ ban đầu trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà giáo dục ở nước ta hiện nay.
- Trước hết, cần quán triệt quan điểm: “Ai cũng được học hành”1 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là quan điểm đầy tính nhân dân, tính nhân văn, công bằng, dân chủ trong xây dựng một nền giáo dục hiện đại, nhằm đảm bảo cho ai cũng có cơ hội được tiếp cận với giáo dục, nâng cao trình độ học vấn để có điều kiện phát triển hết những khả năng sẵn có của mình, để có một hành trang cơ bản trong lập thân, lập nghiệp. Quan điểm này đặc biệt có tính công bằng, nhân văn, dân chủ với đại đa số nhân dân lao động, nhất là những người yếu thế trong xã hội.
- Cần xây dựng một nền giáo dục với việc dạy và học vì mục tiêu độc lập tự do và phồn vinh của tổ quốc, vì hạnh phúc của con người, vì ”Dân giàu, nước mạnh”2.
Từ đó có thể tiếp tục khẳng định những nguyên tắc chung của nền giáo dục nước ta, trong đó có công tác giáo dục lý luận chính trị:
- Giáo dục là quốc sách hàng đầu trong chấn hưng dân tộc. Bởi như Hồ Chí Minh chỉ rõ: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.
- Giáo dục, nhất là giáo dục lý luận chính trị nhằm phục vụ đường lối phát triển kinh tế- xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Học đi đôi với hành. Lý luận liên hệ với thực tiễn, với thực tế lao động, sản xuất và công tác của người học.
Đối với giáo dục lý luận chính trị, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”3.
Triết lý, quan điểm và mục tiêu công tác giáo dục lý luận chính trị nằm ngay trong câu nói của Lênin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, Đảng viên phải quán triệt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng viên.
“Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” và “Chỉ có một Đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiền phong”. Người khẳng định:
“Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”4.
Triết lý công tác giáo dục lý luận chính trị, mục đích học tập lý luận chính trị của người cán bộ, Đảng viên, chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị của Hệ thống học viện chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí minh hoàn toàn có thể xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, được ghi trang trọng ở trang đầu cuốn sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tháng 9 năm 1949:
“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, Giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.
Muốn đạt mục đích, thì phải Cần, kiệm, liêm, chính, Chí công vô tư.”5
Trong chương trình, cơ cấu nội dung đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị phải tính đầy đủ đến những môn học, tri thức góp phần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, nhân cách, phong cách, lối sống, cách ứng xử của một con người hiện đại.
Cùng với những tri thức góp phần củng cố quan điểm, lập trường Mác xít, đạo đức cách mạng, còn cần bồi dưỡng phương pháp, phong cách làm việc vừa có tính cách mạng vừa có tính khoa học, điều thường thiếu trong xây dựng, đổi mới tư duy và phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên ta hiện nay. Mà điều đó có thể lấy tư tưởng, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh làm mô hình học tập và làm theo.
Muốn đạt được mục tiêu giáo dục lý luận chính trị đó, trong Nhà trường, từ cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, cán bộ, nhân viên chuyên môn, phục vụ và người học đều phải có đạo đức cách mạng chí công vô tư. Đặc biệt người học cần có động cơ, tinh thần, thái độ, học tập đúng đắn. Tránh hiện tượng học tập có tính đối phó, cốt có đủ bằng cấp theo yêu cầu tiêu chuẩn hoá cán bộ.
Muốn thực hiện được triết lý, mục tiêu giáo dục lý luận chính trị Hồ Chí Minh, cần đổi mới nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị.
Trong việc đổi mới nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị, không thể không vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới hiện đại để phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định nhướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị một cách toàn diện, mạnh mẽ, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi vững chắc.
Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cần bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng của chiến lược cán bộ, gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ của các cấp các ngành. Coi trọng chất lượng đào tạo. Phân định rõ đào tạo cơ bản với bồi dưỡng theo chức danh. Rút ngắn thời gian đào tạo một cách hợp lý. Chú trọng đào tạo tập trung.
Công tác nghiên cứu khoa học phải có đóng góp kịp thời và thiết thực vào việc hoạch định đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia tích cực vào công tác tư tưởng của Đảng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Gắn tổng kết thực tiễn với phát triển lý luận.
Cần đổi mới, hoàn thiện chương trình các hệ đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc thiết thực, sát hợp với đối tượng và mục tiêu đào tạo. Từ chương trình cao cấp lý luận chuyển thành chương trình cao cấp lý luận chính trị-hành chính, chương trình bồi dưỡng, chương trrình nâng cao, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; chương trình đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ để chuẩn hoá chức danh công chức; chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành lý luận chính trị và một số chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn khác; chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học cho cán bộ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, tuyên truyền và giảng viên lý luận chính trị.
Đổi mới chương trình nội dung đào tạo phải vừa bảo đảm tính khoa học, cơ bản và hệ thống, vừa bảo đảm tính hiện đại, thực tiễn và chuyên môn nghiệp vụ.
Đặc biệt cần đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị. Trước khi tìm tòi, đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị, cần khẳng định một số nguyên tắc có tính bất biến, cần giữ vững trong giáo dục lý luận chính trị:
- Có tính Đảng, tính trung thực và tính chiến đấu cao trong giảng dạy, học tập.
- Có tính khoa học, lịch sử cụ thể, quan điểm biện chứng, khách quan, chính xác trong truyền thụ, tiếp thu các tri thức lý luận chính trị.
- Có sự thống nhất giữa lý luận và thực tế trong dạy và học lý luận chính trị.
Trên cơ sở nắm vững các nguyên tắc đó, mỗi giảng viên cần nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ bồi dưỡng lý luận chính trị, làm cho người học quán triệt nhiệm vụ đó ngay từ đầu.
Cần xây dựng bài giảng sát với đặc điểm đối tượng, lựa chọn những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học có tác dụng phát huy nội lực tự học, phát huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo của học viên lớn tuổi.
Bên cạnh phương pháp thuyết trình truyền thống, cần học tập vận dụng các phương pháp hiện đại như: Phương pháp nêu vấn đề, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp hỏi đáp, ghi ý kiến lên bảng, phương pháp chuyên gia, phương pháp sàng lọc, phỏng vấn nhanh, phương pháp tình huống, phương pháp bể cá vàng, nguyên tắc neo chốt kiến thức, v,v, nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo, nội lực tự học của học viên lớn tuổi.
Cần thường xuyên cung cấp cho người học những thông tin cần thiết về các lĩnh vực trong nước và trên thế giới có liên quan đến nội dung bài học, luyện cho người học khả năng tự phân tích tình hình để tiếp cận được chân lý khách quan.
Nên tận dụng các khả năng trực quan hoá kiến thức lý luận chính trị vốn trìu tượng thành các sơ đồ, biểu tượng, hình ảnh cụ thể, làm cho bài học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Đặc biệt nên ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin , làm cho bài giảng sinh động, lôi cuốn hơn, khắc phục hạn chế của phong cách độc thoại, thày đọc, trò ghi, v,v, Có như vậy thì chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới thật sự phổ biến thành tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần của cán bộ, đảng viên cả xã hội ta./.
CHÚ THÍCH
1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 161.
2- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.226.
3- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 234.
4- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T8, Sđd, tr. 492.
5- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.684.
Theo bài in trong Tạp chí giáo dục lý luận, số11-2008

3

BÁC HỒ MANG MÙA XUÂN ĐẾN CHO ĐẤT NƯỚC
PGS TS Nguyễn Thế Thắng

Khi đặt mâm ngũ quả trên bàn thờ và ngắm cành đào rực rỡ, đón xuân về, lòng ta lại bồi hồi nhớ Bác, nhớ tiếng Người đọc thơ chúc tết năm xưa. Nhớ Bác Hồ là một người đã mang mùa xuân đến cho đất nước.
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tình hình nước ta đen tối tưởng chừng như không có đường ra. Biết bao phong trào yêu nước chống Pháp nổ ra, rất anh dũng, song đều bị dìm trong máu. Trong tình thế bế tắc ấy, Bác Hồ đã gieo mầm mùa xuân, đánh thức hồn dân tộc, đem lại tương lai cho Tổ quốc.
Nguyễn Ái Quốc mang trong mình cả truyền thống yêu nước, quật cường, bất khuất của dân tộc, bôn ba khắp thế giới, tìm thấy chân lý ở chủ nghĩa Mác-Lênin. Người thấy rõ sự nghiệp giải phóng đất nước ta phải là: Sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sự nghiệp vĩ đại đó không thể do một ông vua, vài ba anh quan hay một tầng lớp xã hội nào khác có thể làm được. Bước đầu tiên chính từ mùa xuân, Bác Hồ dẫn dắt dân ta ra khỏi tình trạng đen tối, từng bước đi tới một mùa xuân mới tươi sáng trong lịch sử nước ta.
Mùa xuân ngày 3-2-1930, Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.Sự kiện trọng đại này của mùa xuân năm 1930 đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối và người lãnh đạo trong cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Người, 15 tuổi xuân xanh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ đầu tiên, mùa xuân đầu tiên trong hành trình lịch sử dân tộc ta, giã từ nền quân chủ phong kiến cũ nghìn năm đã đến thời mục nát, và chấm dứt gần trăm năm chế độ nô lệ, thuộc địa dã man của đế quốc Pháp, để với nền DÂN CHỦ, CỘNG HOÀ đi tới ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC.
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta lập nên kỳ tích trong thế kỷ XX. Đánh bại 2 tên đế quốc to nhất, nhì thế giới, thống nhất đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Và hiện nay, đang giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp đổi mới. Một thời kỳ mới đầy thời cơ và thách thức đan xen xuất hiện trước dân tộc ta. Việt Nam hiện diện trước thế giới với một thế lực giàu tiềm năng, sung sức vươn lên, được nhiều bạn bè quý mến, cổ vũ mau hội nhập quốc tế để tăng thêm nội lực phát triển một cách bền vững.
Lúc này, Tổ quốc đang lấy đà cất cánh bay, càng nhớ những lời dạy của Người đối với cán bộ, Đảng viên. Những lời dạy có giá trị định hướng cho chúng ta trong hành trình đi tới tương lai, nhiều hứa hẹn tươi sáng nhưng cũng phải kinh qua nhiều phức tạp, cam go và bất trắc.
Xét cho đến cùng thì cái gì quyết định sự thành công của một Đảng cũng như của mỗi người Việt Nam, mỗi cán bộ, Đảng viên trong hành trình đổi mới và cất cánh này?
Bác Hồ dạy: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Cán bộ tốt thì mọi việc đều tốt. Cán bộ, đảng viên tốt là phải có đủ cả TÀI, cả ĐỨC.
"Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai"1.
Song, cái gì quyết định làm nên người cán bộ tốt?
Xét cho đến cùng, Bác Hồ dạy: Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay không. Đạo đức là cái gốc của người cách mạng.
"Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"2. Đảng ta cũng vậy. Xét cho đến cùng, để được dân tin, dân phục, dân yêu và tự nguyện đi theo Đảng, thì Đảng ta phải: LÀ ĐẠO ĐỨC, LÀ VĂN MINH.
Để giữ vững vai trò là một Đảng lãnh đạo xã hội, lúc này hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, Đảng viên cần thực sự thấm nhuần, thực hiện lời dạy CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH CHÍ CÔNG VÔ TƯ của Bác Hồ. Người coi đây là những phẩm chất đạo đức cốt lõi đối với tất cả mọi người. Bởi vì:
Tất cả cán bộ, đảng viên thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đảng, Nhà nước tất yếu sẽ trong sạch, vững mạnh. Sẽ không có nạn tham nhũng, tệ quan liêu!
Mỗi người dân đều thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhất định mỗi gia đình vàTổ quốc, đều giàu có, văn minh, hạnh phúc. Sẽ ít có các tệ nạn xã hội! Sẽ hết dần các gia đình nghèo khó.
Bác Hồ khẳng định:
"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người"3.
Muốn xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính tốt đẹp, thì phải kiên quyết chiến đấu với 3 thứ "giặc nội xâm" cực kỳ nguy hại cho đất nước. Đó là tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Chúng là kẻ thù của nhân dân. Tuy chúng không mang súng, mang bom, nhưng chúng nguy hiểm hơn nhiều kẻ thù có súng có bom, vì chúng nằm ngay trong bộ máy Đảng, Nhà nước trong hệ thống chính trị của chúng ta, chúng làm hỏng sự nghiệp cách mạng của Đảng của Dân.
Người khẳng định Đảng phải dựa vào nhân dân mà chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong.
" Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ....Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công."4
Sinh thời, trong những dịp mừng Đảng, mừng xuân, Bác Hồ phát động các cuộc chỉnh huấn mùa xuân. Người kêu gọi cán bộ, Đảng viên thật thà phê bình và tự phê bình, xem xét lại mình một cách nghiêm chỉnh. Đặc biệt là phải chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân cũng là một kẻ thù nguy hiểm của tiến bộ xã hội và của mỗi con người. Nó ẩn nấp trong mỗi con người, chờ dịp lý trí và tình cảm cách mạng suy yếu là vùng lên đưa người ta đến các hành động sai lầm hoặc là thoái thoá, biến chất. Cho nên mỗi cán bộ, Đảng viên, cũng như cả xã hội có đấu tranh thắng lợi với chủ nghĩa cá nhân thì mới có một xã hội trong đó mọi người thực sự sống vì mình và cả vì nhau, có tình có nghĩa, thương yêu lẫn nhau, mà mỗi cán bộ, Đảng viên mới có thể trở thành người có đạo đức cách mạng, mới hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của hầu hết mọi tội lỗi, sai lầm và bệnh tật nguy hiểm, trong đó có bệnh tham nhũng, quan liêu. Tham nhũng, quan liêu gắn liền nhau. Tham nhũng làm hại dân. Quan liêu là xa dân, khinh dân, sợ dân, không tin cậy nhân dân; là trái với con đường chính nghĩa: LẤY DÂN LÀM GỐC.
Vậy làm thế nào để không có khoảng cách xa giữa cán bộ, Đảng viên và nhân dân?
Làm thế nào để cán bộ, Đảng viên, quần chúng nhân dân đoàn kết, gắn bó với nhau thành một khối thông nhất?
Bác Hồ dạy: Cán bộ, Đảng viên phải VỪA LÀ NGƯỜI LÃNH ĐẠO, VỪA LÀ NGƯỜI ĐẦY TỚ TRUNG THÀNH CỦA NHÂN DÂN.
Điều đó cũng có nghĩa là cán bộ, đảng viên phải chủ động giải quyết mối quan hệ gắn bó, biện chứng giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân. Làm LÃNH ĐẠO, cán bộ, Đảng viên cần có trí tuệ, bản lĩnh, khả năng thuyết phục, tổ chức quần chúng nhân dân hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng không được đứng trên, cai trị nhân dân. Mà phải như người ĐÀY TỚ trung thành phục vụ, đáp ứng đúng nguyện vọng, lợi ích của nhân nhân. Quần chúng nhân dân CHỊU SỰ LÃNH ĐẠO của cán bộ, đảng viên trong các công việc cụ thể. Song trong suốt chiều dài lịch sử xã hội, đất nước, trong cả sự nghiệp cách mạng, nhân dân là GỐC, là NGƯỜI CHỦ, là người quyết định xây dựng nên chính quyền, nên cả chế độ xã hội và cuộc sống của chúng ta. Cũng như tổ tiên chúng ta từng đã dạy: Quan nhất thời, dân vạn đại. Chở thuyền hay lật thuyền là nước, là nhân dân. Chính những phương ngôn, trí tuệ dân gian đó đã chứa đựng mầm mống tư tưởng dân là chủ, người lãnh đạo, có nghĩa vụ làm công bộc phục vụ nhân dân.
Mùa xuân về nhớ Bác, hành động chân chính, quý giá nhất của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người Việt Nam đối với nước nhà lúc này là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong HỒ CHÍ MINH. Tức là Học, làm theo một con người Việt Nam đẹp nhất thời đại chúng ta. Như vậy, là góp phần tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ cho Tổ quốc Việt Nam cất cánh bay lên. Kinh tế chẳng những tăng trưởng nhanh, để có cơ đuổi kịp những nước giàu có, mà xã hội thực sự ổn định, trật tự, văn minh, thịnh vượng. Con người được trân trọng. Tình người không ly tán; người với nguời ứng xử có tình, có nghĩa với nhau, biết tin yêu lẫn nhau - Mùa xuân do Bác Hồ mang đến được con cháu của Người thụ hưởng, phát triển làm cho ngày càng thêm nhiều xuân mới trên đất nước Việt Nam yêu quý./.
CHÚ THÍCH:
1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.184.
2- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, 252.
3- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T5, Sđd, Tr. 631.
4- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, 494-495.

Hà Nội, ngày 20-12-2006
(Theo bài in trong đăng Tạp chí Hàng Hải Việt Nam, số 1+2/2007)


4
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ
BẢN CHẤT CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM


PGS,TS Nguyễn Thế Thắng
Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về Đảng Cộng sản- Chủ yếu là Đảng Cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa, trong việc xác định bản chất Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng sinh ra từ trong lòng một nước thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp công nhân chiếm số lượng nhỏ bé trong dân cư. Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với điều kiện ra đời và nhiệm vụ cách mạng đó, Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ mang bản chất giai cấp công nhân mà còn có tính chất dân tộc và tính nhân dân dân sâu sắc. Đảng vừa là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
Những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ của Đảng đồng thời là lãnh tụ của dân tộc và của nhân dân lao động có ý nghĩa vô cùng quan trọng với công tác xây dựng Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng với sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay.
Về bản chất giai cấp công nhân của Đảng cộng sản, Chủ nghĩa Mác - Lênin xác định: Đảng cộng sản là đội tiên phong chính trị có tổ chức và là đội ngũ có tổ chức chặt chẽ nhất, giác ngộ nhất của giai cấp công nhân. Lê-nin vạch rõ: “ Không được lẫn lộn đảng, tức đội tiền phong của giai cấp công nhân, với toàn bộ giai cấp”
Trong giai cấp công nhân không phải tất cả mọi người đều có trình độ giác ngộ và tính tích cực như nhau. Đảng là bộ phận những người ưu tú nhất của giai cấp, có giác ngộ lý luận cao nhất và tính cách mạng cao nhất. Đảng cộng sản là đội tiên phong, đồng thời là đại biểu cho lợi ích toàn bộ phong trào công nhân. Mác, Ăng-ghen khẳng định:
“Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn thúc đẩy phong trào tiến lên. Về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản” 2.
Về việc đại diện cho lợi ích của dân tộc, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, khi nói về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và đảng của họ, các ông mới có định hướng:
“Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc” 3.
Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo và phát triển những quan điểm lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trong xác định, xây dựng bản chất Đảng Cộng sản Việt Nam. Một Đảng có bản chất giai cấp công nhân đồng thời có tính chất dân tộc và tính nhân dân sâu sắc.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin xác định bản chất giai cấp công nhân của các đảng cộng sản ở trong các nước tư bản chủ nghĩa, nơi công nhân chiếm phần đông trong dân số.
Còn ở nước ta, thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng, giai cấp công nhân mới chỉ chiếm khoảng 1% dân số, cho đến đầu thế kỷ XXI, cũng mới chỉ chiếm khoảng 14% dân số. Với số lượng giai cấp công nhân nhỏ bé như thế, việc xác định bản chất giai cấp của Đảng trong việc thành lập, xây dựng, phát triển Đảng phải hết sức sáng tạo, không thể dập khuôn như việc xây dựng Đảng cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn từ một người yêu nước nhiệt thành đi tìm đường cứu nước cứu dân, từ chủ nghĩa yêu nước đi tới giác ngộ chủ nghĩa Mác- Lênin, trở thàng người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Người đã tìm cách giác ngộ một thế hệ những người yêu nước Việt Nam đi theo con đường của mình để trở thành những người cộng sản.
Người không chỉ truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, mà còn truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào yêu nước Việt Nam, dẫn tới việc hình thành 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam.
Ngay từ khi mới thành lập Đảng, Đảng cộng sản Việt Nam đã tập hợp không chỉ những người ưu tú nhất trong giai cấp công nhân, mà còn tập hợp những người yêu nước từ tất cả các tầng lớp nhân dân Việt Nam, giác ngộ chủ nghĩa Mác- Lênin, quyết hiến dâng đời mình cho sự nghiệp đấu tranh của Đảng là giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từng bước hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất Đảng cộng sản Việt Nam một cách sáng tạo.
Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930, Nguyễn Ái Quốc xác định rõ bản chất giai cấp công nhân của Đảng:
“Đảng là đội tiên phong của giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng” 4.
Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định:
“Quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam” 5.
Đây là lúc Đảng ta đã ra hoạt động công khai, lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua kinh nghiệm lãnh đạo Đảng làm Cách mạng Tháng Tám thành công, trở thành Đảng cầm quyền, trong thực tiễn và lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo giải quyết vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Từ chỗ, trong thời kỳ mới thành lập Đảng, còn có ý kiến cho rằng Nguyễn Ái Quốc nặng về vấn đề dân tộc, chưa thấy hết lợi ích của đấu tranh giai cấp, cho đến khi trong Đảng đều thấy rõ độc lập dân tộc là tiền đề để giải phóng giai cấp, trước hết phải giành được chính quyền, độc lập dân tộc rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc đấu tranh đó, quyền lợi của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc là một. Nên Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam.
Năm 1954, khi chuẩn bị kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một nửa nước chuẩn bị bước vào thời kỳ tiến lên chủ nghĩa xã hội, bàn về tính chất của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“ Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc…Đảng là Đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân” 6.
Trong nhận định này có 2 điểm cần chú ý.
Một là: Người nhấn mạnh Đảng ta là tổ chức cao nhất của giai cấp. Ở đây là "giai cấp cần lao".
Hai là: Đảng là của giai cấp cần lao, của giai cấp lao động là hướng tới nói Đảng là của giai cấp công nhân, nông dân, những người lao động chân tay và trí thức là những người lao động trí óc. Tóm lại, Đảng là của nhân dân lao động, "của toàn dân" theo nghĩa là của tất cả các tầng lớp nhân dân lao động, của toàn dân tộc.
Người khẳng định: “Đảng là bộ đội tiền tiến của nhân dân lao động (công nhân, nông dân, lao động trí óc)” 7.
Tháng 1- 1957, trong buổi nói chuyện ở Trường cán bộ công đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tới một kết luận dứt khoát về vấn đề “đội tiên phong”:
“Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc” 8.
Tháng 10-1957, trong dịp về thăm khu mỏ khi nói về vấn đề Đảng, Người lại nói:
“Đảng là tổ chức tiền phong của nhân dân lao động, mà trước hết là giai cấp công nhân.” 9
Ngày 5-1-1960, trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ:
“ Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động. “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác” 10
Như vậy, khi nói về bản chất Đảng, Hồ Chí Minh chú ý đến thành phần xuất thân của toàn thể các Đảng viên là công nhân, nông dân, trí thức do cùng chung số phận của dân tộc và giác ngộ một lý tưởng cách mạng nên tuy là xuất thân từ các giai cấp, tầng lớp khác nhau nhưng họ vẫn cùng trong một phạm trù "giai cấp lao động". Mác, Ăng-ghen từng nói tới "Giai cấp dân tộc". Ở đây Hồ Chí Minh chú ý tới vấn đề Đảng là đội tiên phong và đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, các tầng lớp nhân dân và cả dân tộc. Thấy sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính dân tộc và tính nhân dân ở những người cộng sản.
Tháng 1- năm 1965, trong bài nói chuyện tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập, Người khẳng định:
“Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc” 11.
Trong nhận định này, Người dùng khái niệm “Đội tiên phong” và “Bộ tham mưu” để nói về bản chất của Đảng.
Toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân là nhiệm vụ cơ bản do bản chất của đảng quyết định.
Sáng tạo của Hồ Chí Minh chính ở chỗ thấy rõ sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính dân tộc và tính nhân dân của một Đảng cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sau đó, trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu chưa trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa, Đảng lãnh đạo toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Song, cũng có ý kiến cho rằng nếu nói Đảng vừa là đội tiên phong của giai cấp công nhân lại vừa là đội tiên phong của nhân dân và của dân tộc, mang tính chất dân tộc và nhân dân sẽ làm mờ bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Nhưng, thực tế không phải như vậy. Tính dân tộc và tính nhân dân của Đảng càng sâu sắc, càng làm cho bản chất giai cấp công nhân của Đảng sâu sắc thêm.
Trước hết, cái quyết định Đảng cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân là ở chỗ Đảng lấy chủ nghĩa Mác- Lênin làm nền tảng tư tưởngvà kim chỉ nam cho hành động.
Cái quyết định tính tiên phong, bản chất giai cấp công nhân của Đảng là ở chỗ Đảng có lý luận tiên phong. Mà trong thời đại ngày nay, như Nguyễn Ái Quốc khẳng định rõ, học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất, khoa học nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ai cũng phải hiểu, phải tin theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Đảng mà không lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hoạt động cho mình thì như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ tư tưởng, vũ khí đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân. Nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng mới đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, lãnh đạo được giai cấp công nhân tự giải phóng mình đồng thời giải phóng cho các tầng lớp nhân dân lao động và cả dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định rõ:
“Đảng kết hợp phong trào cách mạng Việt Nam với chủ nghĩa Mác-Lênin. Đảng giác ngộ giai cấp công nhân rành mạch, lập trường giai cấp dứt khoát, tác phong giai cấp đúng đắn.
Tư tưởng của Đảng là tư tưởng giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân. Vì vậy, trong Đảng không thể có những tư tưởng, lập trường và tác phong trái với tư tưởng, lập trường và tác phong của giai cấp công nhân” 12.
Thứ hai là: Mục tiêu, lý tưởng đấu tranh cách mạng của Đảng trước sau như một là Độc lập dân tộc gắn với CNXH
Khi Đảng ra đời, nước ta là một thuộc địa nửa phong kiến, sứ mệnh của một Đảng của giai cấp công nhân là phải đánh đổ ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến tay sai. Sau khi giành được độc lập dân tộc, Đảng của giai cấp công nhân có sứ mệnh lãnh đạo giai cấp mình, cùng toàn thể nhân dân lao động, toàn dân tộc thực hiện lý tưởng cộng sản là xây dựng một xã hội không có người áp bức bóc lột. Giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động được quyền tự do, bình đẳng và làm chủ cuộc đời mình. Muốn thực hiện được ước mơ đó chỉ có con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của một Đảng biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, đề ra cương lĩnh, đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn. Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ:
“Đảng có chính cương rõ rệt: hiện nay thì giai cấp công nhân lãnh đạo toàn dân chống đế quốc và phong kiến, để giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ mới. Ngày sau thì tiến đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản” 13.
Trong lãnh đạo nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời với tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ Đảng phải luôn luôn trung thành với lý tưởng cộng sản.
“Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới” 14.
Là một Đảng mang bản chất giai cấp công nhân thì phải thấy:
“Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ” 15.
Thứ ba là: Đảng Cộng sản Việt nam xây dựng theo những nguyên tắc đảng kiểu mới của giai cấp công nhân do Lê-nin nêu ra. Đó là các nguyên tắc: Tập trung dân chủ; Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; Tự phê bình và phê bình; Kỷ luật nghiêm minh và tự giác; Đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Bản chất giai cấp công nhân của Đảng không mâu thuẫn mà thống nhất với Tính dân tộc của Đảng ở chỗ: Lợi ích của giai cấp công nhân với lợi ích dân tộc thống nhất.
Dân tộc bị mất độc lập tự do, giai cấp công nhân và tất cả các tầng lớp nhân dân lao động đều phải làm thân trâu ngựa, bị đế quốc và phong kiến áp bức, bóc lột. Cho nên, Hồ Chí Minh vạch rõ:
Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại để đánh đổ bọn đế quốc và việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sâu lửa nóng.
Dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị TW 8, năm 1941 của Đảng ta cụ thể hoá tư tưởng của Người:
"Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"16
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Độc lập, thống nhất, hoà bình, tự do, dân chủ, dân giàu nước mạnh là mẫu số chung về lợi ích của giai cấp công nhân với các tầng lớp nhân lao động, của cả dân tộc Việt Nam.
Đảng là đội tiên phong, là bộ tham mưu, lãnh đạo, đoàn kết tòan dân tộc. Để thực hiện được mục tiêu Hoà bình độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, Đảng cộng sản Việt Nam phải luôn giương cao ngọn cờ dân tộc, có chính sách dân tộc đúng đắn để đoàn kết tất cả các dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, trong việc thực hiện sự bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng trước sau như một lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vì lợi ích chung của giai cấp công nhân và của tất cả các dân tộc anh em. Đảng không chỉ là đội tiên phong, bộ tham mưu của giai cấp công nhân mà còn là đội tiên phong, bộ tham mưu của cả dân tộc Việt Nam. Đảng bao gồm những người con ưu tú nhất của tất cả các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Hồ Chí Minh chủ trương kế thừa những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc ta trong xây dựng và rèn luyện Đảng ta.
Kế thừa truyền thống trọng đạo đức của dân tộc ta, Hồ Chí Minh rất coi trọng nhân tố đạo đức trong công tác xây dựng Đảng. Người coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, người cán bộ, Đảng viên. Đạo đức là nền tảng tinh thần nhờ đó mà Đảng có được sự tin yêu, tin tưởng của tất cả các tầng lớp nhân dân và của cả dân tộc. Người khẳng định Đảng phải có đạo đức và văn minh mới đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Bản chất của Đảng và mục tiêu phấn đấu của Đảng: “ Là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hoà bình, ấm no” 17.
Kế thừa truyền thống coi trọng nhân dân của dân tộc ta: Coi dân là gốc của nước, “Quan nhất thời, dân vạn đại”, “Chở thuyền hay lật thuyền cũng là dân”, “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ta có trách nhiệm, bổn phận vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân.
Đảng càng có tính nhân dân sâu sắc thì Đảng càng có điều kiện khả năng hoàn thành sứ mệnh của mình đối với giai cấp và dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân và Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: Mục đích hoạt động của Đảng ta có thể gồm trong 8 chữ: "ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN , PHỤNG SỰ TỔ QUỐC"18
“Đảng ta là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng. Vào Đảng là để phục vụ cách mạng… Đảng ta không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào Đảng thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của Đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay khoan hãy vào....Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân” 19.
Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng mối quan hệ Đảng-Dân vững chắc. Muốn vậy, Đảng phải tin tưởng nhân dân, thương yêu nhân dân, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, mọi việc phải biết dựa vào nhân dân. Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong.
Đảng phải biết dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. “Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng cách: Hiểu rõ đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình.
Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là: Hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối” 20.
Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh và tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là thực tiễn 20 năm đổi mới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, đa số các ý kiến đồng ý sửa phần nói về bản chất Đảng cộng sản Việt Nam trong Điều lệ Đảng được thông qua từ các Đại hội trước:–“ Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc” thành “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc” 21. Đại hội cho rằng diễn đạt như thế là hợp lý, biện chứng, dễ hiểu và đúng tình hình hiện nay. Việc dùng từ “đồng thời” là Đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh tụ của Đảng ta- Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là lãnh tụ của Đảng, mà còn là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân của dân tộc ta. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nhằm nêu cao tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hơn bao giờ hết chúng ta càng cần phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh xác định đúng đắn bản chất của Đảng trong việc tự đổi mới, xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
CHÚ THÍCH:
1- Lê-nin: Toàn tập, T8, NXB Mát-xcơ-va, 1979, tr 289.
2- C.Mác-Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, T4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 615
3- C.Mác-Ph.Ăng-ghen: Tuyển tập, T1, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1980. 421.
4- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.3.
5- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.175.
6; 7- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.230; 229.
8- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 295.
9- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T8, Sđd, tr, 516.
10- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr2-tr4.
11- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T11, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, 230.
12- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T7, Sđd, tr. 230.
13- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T7, Sđd, tr. 230.
14- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 93.
15- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T10, Sđd, tr.4.
16- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, T7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 113.
17- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T10, Sđd, tr. tr5.
18- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T6, Sđd, tr183.
19- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T12, Sđd, tr.221-222.
20- Hồ Chí Minh: Toàn tập, T7, Sđd, tr 235.
21- Đảng Cộng sản Việt nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr351.
Theo bài in trong Tạp chí Giáo dục lý luận, số 4-2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét