Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

PGS,TS NGUYỄN THẾ THẮNG - HỒ CHÍ MINH HỌC (Tiếp theo)

TÀI THAO LƯỢC HỒ CHÍ MINH
TRONG CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ*


PGS,TS Nguyễn Thế Thắng

Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người đã hoạch định đường lối kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh là chính. Đồng thời, là Người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Chính bản lĩnh, tài năng thao lược, điều binh khiển tướng của Hồ Chí Minh là một trong những nguyên nhân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ.
1- Rất sớm thấy vị trí chiến lược của vùng Tây Bắc và Biện Biên Phủ. Đi tới quyết định đúng hướng tiến công chiến lược
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã thấy rõ vị trí tầm quan trọng của hướng chiến dịch Tây Đông Dương trải dài từ Tây Bắc Việt Nam qua Thượng Lào và Trung Hạ Lào. Năm 1947, Người chỉ thị cho các đội vũ trang tuyên truyền phải kiên trì chiến đấu và gây cơ sở trong đồng bào các dân tộc Tây Bắc, phải “đem được lá cờ đỏ sao vàng cắm lên đất Điện Biên Phủ”1. Theo tư tưởng của Người, trong thư gửi các chiến sĩ bộ đội Tây Bắc, ngày 1-2-1947, Bộ Tổng chỉ huy quân đội ta khẳng định rõ:
“Bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây tức là gián tiếp bảo vệ được hậu phương của chúng ta, góp một phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng…Nếu trong cuộc kháng Nhật, chúng ta thành công với các Khu giải phóng, Việt Bắc, thì trong cuộc kháng Pháp, chúng ta phải thành công với công cuộc Tây tiến”2.
Cuối tháng 9 năm 1953, tại Bản Tỉn Keo, thôn Lục Giã, Huyện Định Hoá, Tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ cuộc họp của Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân, xác định phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Quyết định đó đã điểm đúng huyệt hiểm yếu nhất của đối phương, khiến chúng sau này phải bị động tung quân lên Điện Biên Phủ, lập thành một tập đoàn cứ điểm mạnh.
Trong cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ:
“ Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh…Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.
“ Phương hướng chiến lược không thay đổi.”. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hành động có thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hoá”1.
Sau Hội nghị này, quân đội ta tích cực triển khai kế hoạch tác chiến đó. Bộ đội chủ lực ta tiến quân lên Tây Bắc và sang Trung Lào, phối hợp chiến đấu với bạn.
Ngày 21-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào, bộ đội và cán bộ Tây Bắc. Người đề ra nhiệm vụ cho quân dân Tây Bắc là: Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau tăng gia sản xuất, tham gia kháng chiến; bộ đội phải thi đua học tập, giúp đỡ đồng bào, sẵn sàng xung phong giết giặc; cán bộ phải hết lòng hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân, phải đi đúng đường lối quần chúng, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện cần kiệm liêm chính. Người khẳng định rõ:
“Kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Đồng bào, bộ đội và cán bộ ta ở Tây Bắc phải hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến để cùng đồng bào, bộ đội, cán bộ toàn quốc đánh đuổi giặc Tây, giặc Mỹ và tranh lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân”2.
Quyết định đúng hướng tiến công chiến lược là Tây Bắc đã mở đường đi tới thắng lợi của trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ.
2- Chấp nhận cuộc đọ sức quyết chiến lược đã dự tính từ lâu với tinh thần quyết chiến quyết thắng.
Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ 5 năm, từ tháng 6 năm 1949, trong tác phẩm Giấc ngủ mười năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vẽ ra cảnh tượng cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, sau một trận đánh quyết chiến lược có quy mô rất lớn và rất ác liệt. Mặc dầu thực dân Pháp được một nước khác giúp đỡ, nhưng hơn một vạn quân địch đã bị tiêu diệt. Số quân đó tương đương với một vạn sáu quân Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu ở Điện Biên Phủ năm 1954.
Cuối năm 1953, phát hiện thấy ta đưa bộ đội chủ lực lên Tây Bắc, Na va quyết định điều lực lượng cơ động sang Trung Lào, đồng thời tăng lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ngày 3-12-1953, Na va quyết định chấp nhận giao chiến tại Điện Biên Phủ, hòng kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng. Tháng 2-1954, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Plêven sang Đông Dương tuyên bố: Tôi sang để giúp Nava chuẩn bị kế hoạch tiến công. Khi trở về Pháp, ông ta huênh hoang: Tướng Nava đoán chắc rằng Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ không đưa lại kết quả gì cho Việt Minh.
Thực tế diễn ra không như quân đội Pháp mong mỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ động mở ra trận đánh quyết chiến lược nhằm kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh này. Từ tháng 9 năm 1953, chủ trương chọn hướng tiến công chiến lược lên Tây Bắc, nơi địch yếu, sơ hở để đánh, đến tháng 12 năm 1953, Người và Đảng ta quyết định nhằm vào chỗ địch mạnh nhất ở Tây Bắc là Điện Biên Phủ, để đánh một trận lớn cuối cùng theo quy luật của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thắng lợi trên đất nước ta.
Ngày 6-12-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp:
“ Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”1.
Tư tưởng chỉ đạo có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là tư tưởng Hồ Chí Minh “Quyết chiến, quyết thắng”. Người trao cho Quân đội ta lá cờ “Thi đua Quyết chiến, quyết thắng” với niềm tin lớn, quyết tâm lớn nhất định phải giành thắng lợi trong trận đọ sức chiến lược lớn nhất giữa ta với thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là nơi tập trung binh lực lớn nhất, với mật độ cao nhất, với những đơn vị tinh nhuệ nhất, cùng những cố gắng chiến tranh cao nhất của Pháp và viện trợ lớn nhất của Mỹ. Lực lượng địch ở Điện Biên Phủ, lúc cao nhất lên tới 16.200 tên, chiếm 1/3 lực lượng cơ động của Na va ở Đồng bằng Bắc Bộ.
Còn về phía ta, Bộ Tổng tư lệnh đã điều lên đây 4 đại đoàn bộ binh, (thiếu 1 trung đoàn), 1 đại đoàn công pháo với tổng số hơn 5 vạn người; 3 vạn dân công, thanh niên xung phong và bộ đội hậu cần. Đây là chiến dịch ta huy động lực lượng tham chiến lớn nhất, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao nhất.
Trước ngày nổ súng tấn công trong chiến dịch Điện Biên Phủ 13-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ:
“Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.
Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự, và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.
Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.
Chúc các chú thắng to.
Bác hôn các chú”1.
3- Không chỉ xác định đúng phương châm chiến lược cuộc chiến mà còn xác định đúng phương châm chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày 25-1-1953, tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá II, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày Bản báo cáo về tình hình trước mắt và nhiệm vụ của Đảng, chính phủ, quân đội ta. Trong đó Người nêu ra Phương châm chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự của ta là:
“Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do”1, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn Bắc Bộ.Tư tưởng của Người được khẳng định thành Nghị quyết của BCHTWƯ Đảng. Theo phương châm chỉ đạo đó, Quân ta tung ra các đòn tíên công và phản công trên các hướng Tây Bắc, Tây Nguyên-Duyên Hải Trung Bộ, Thượng Lào, Trung và Hạ Lào trong Đông Xuân 1953-1954. Ta buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động trên khắp các chiến trường, trong khi đó ta lại tập trung chủ lực về hướng Tây Bắc.
Tại Hội nghị này, về chỉ đạo quân sự Người nêu ra quan điểm:“ Đánh chắc, ăn chắc, mở rộng vùng tự do”. Các cấp uỷ, chỉ huy cần quán triệt quan điểm: Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn.
Ngày 1-1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị, chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người nói: ” Trao chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho chắc thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Chính phương châm chỉ đạo này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt trong chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ký ức sâu sắc nhất của ông trong chiến dịch này là khi phải quyết định đổi phương châm chiến dịch đánh nhanh, giải quyết nhanh đề ra lúc đầu, khi tình hình địch thay đổi. Nếu cứ theo phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh, mà lực lượng địch đã được tăng cường, hệ thống phòng ngự của chúng đã được củng cố, thì có thể thất bại to. Kim chỉ nam cho hành động của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lúc đó chính là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ông đã quyết định ra lệnh rút mấy vạn quân ra khỏi trận địa, ra lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị trên một tháng, đào công sự cho bộ binh, xây dựng trận địa pháo binh, chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Cả Đảng uỷ và Bộ chỉ huy mặt trận cũng đều nhất trí quyết định đó. Đây được coi là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quyết định khó khăn đó cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh nhất trí duyệt y, dẫn tới thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Một thắng lợi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng khẳng định mạnh mẽ với giới quan sát nước ngoài ngay từ đầu chiến dịch này. Tháng 3-1954, nhà báo Ôxtrâylia Bớcsét hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình Điện Biên Phủ. Người liền đặt ngửa chiếc mũ lên bàn, chỉ vào đáy mũ nói: “Đây là Điện Biên Phủ, thung lũng có núi bọc cung quanh”. Sau đó, Người vòng tay theo vành mũ, nói tiếp:”Quân viễn chinh Pháp ở dưới thung lũng này, chúng tôi từ trên núi ở chung quanh bao vây chúng. Chúng nhất định không thể thoát được”. Thực tiễn đã diễn ra đúng như thế.
Đồng chí Phạm Vưn Đồng kể rằng: Tháng 4 năm 1954, cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang ác liệt. Ông đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi đi Giơ ne vơ. Người nói rằng sẽ có món quà quý tặng Đoàn đại biểu của ta. Món quà vô giá đó chính là tin Chiến thắng Điện Biên Phủ bay đến đúng ngay chiều hôm trước ngày Hội nghị Giơnevơ khai mạc. Đúng như Hồ Chí Minh đã nói một cách hình ảnh:”Thực lực là cái chiêng, ngoại giao như tiếng chiêng; chiêng có to, tiếng mới lớn”. Thắng lợi của đấu tranh quân sự, chính trị ở trong nước là cơ sở, thực lực làm cho đấu tranh ngoại giao thắng lợi, dẫn tới Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết.
4- Tài dùng tướng giỏi.
Chủ tịch Hồ chí Minh từng khẳng định rằng người lãnh đạo có tài lãnh đạo sẽ làm cho người ”Tài nhỏ có thể hoá ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hoá ra tài nhỏ”1. Muốn vậy, phải khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Trong chiến tranh, khi chiến lược chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến”, mới có thể phát triển tài năng của họ. Chính Người đã thực hiện tư tưởng đó với vị đại tướng đầu tiên của Quân đội ta.
Tháng 2 năm 1944, khi quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Hồ Chí Minh nói: ”Việc quân sự thì giao cho chú Văn”. Tức đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110 phong đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Đại tướng. Ngày 28-5-1948, trong Lễ thụ phong chức đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tay cầm sắc lệnh mời đồng chí Võ Nguyên Giáp đến trước bàn thờ Tổ quốc, Người tuyên bố:
“Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trao chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”.
Ngày 1-1-1954, thay mặt Bộ Chính trị, Người trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban chỉ huy và Bí thư Đảng uỷ chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời là Tổng chỉ huy tất cả các chiến trường, trừ chiến tường đồng bằng. Tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Người nói:
Tổng tư lệnh ra mặt trận”tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho chắc thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” .
Khi trao nhiệm vụ như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm được đầy đủ 5 điều kiện cho thắng lợi của một cuộc chiến này. Theo binh pháp Tôn Tử, mà chính Người đã từng biên dịch, phân tích, giảng dạy cho tướng sĩ quân đội ta. Đó là:
1- Tướng biết có thể đánh và không đánh
2- Tướng biết cách dùng chủ lực và các bộ phận của bộ đội.
3- Trên dưới một lòng.
4- Ta luôn chuẩn bị để chờ dịp địch không chuẩn bị.
5- Tướng giỏi mà Chính phủ cho tướng đủ quyền.
Người đã thay mặt Đảng, Chính phủ ta tin tưởng, trao đủ quyền lực cho một vị tướng giỏi đáng tin cậy. Đó chính là việc làm đúng một nguyên tắc quân sự mà Người hằng trăn trở, căn dặn tướng sĩ quân đội ta: ”Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”1, có như vậy, kháng chiến mới có thể thắng lợi.
5- Tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ.
Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện đầy đủ tư tưởng chiến tranh nhân dân Hồ Chí Minh. Nó rất khác với các hoạt động chiến tranh thông thường chỉ sử dụng quân đội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của 3 thứ quân và của toàn dân trên quy mô toàn quốc và trên toàn Đông Dương. Kết hợp khéo léo các chiến dịch tiến công và một số chiến dịch phản công của bộ đội chủ lực với các chiến dịch chống càn quét và hoạt động chiến tranh du kích. Kết hợp đánh địch đều khắp trên các chiến trường với đánh đòn quyết định chiến lược ở Điện Biên Phủ. Kết hợp tiền tuyến với hậu phương. Cả nước dốc sức cho Điện Biên Phủ theo khẩu hiệu” Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Mọi hoạt động của lực lượng vũ trang và nhân dân ta diễn ra theo một kế hoạch tác chiến thống nhất, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.
Là lãnh tụ của Đảng và của dân tộc, đồng thời là người chỉ huy tối cao của Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong suốt thời gian chiến dịch Điện Biên Phủ, Người đã chủ toạ và tham dự nhiều cuộc họp của Bộ chính trị, Hội đồng Chính phủ để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện biên Phủ mà trên cả các chiến trường phối hợp trong cả nước, nhằm giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch cho đến khi kết thúc chiến dịch, Người đóng “đại bản doanh” tại Hồng Thái, Sơn Dương, Tuyên Quang. Khi chiến dịch sắp kết thúc, Người chuyển về làng Hả, thuộc Sơn Dương, Tuyên Quang. Khi thắng lợi hoàn toàn, Người chuyển ra ở Văn Lang, Đại Từ, Thái Nguyên. Bất kỳ ở đâu, Người cũng nắm rất vững tình hình mặt trận, tình hình trong nước và thế giới liên quan đến mặt trận. Người gửi nhiều thư, điện cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, động viên cả nước dốc sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, Người còn viết nhiều bài báo, bài thơ, phóng sự về tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến khi quân ta chiến thắng.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, ngày 7-5-1954, quân dân ta đã toàn thắng tại Điện Biên phủ. Ngay ngày hôm sau, Người đã gửi điện cho Bộ Chỉ huy, nhiệt liệt khen ngợi, quyết định khen và khao thưởng cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên phủ.
Đáng chú ý là, ngay trong không khí phấn khởi tột độ của trận quyết chiến lược thắng lợi, Người đã lưu ý toàn Đảng, toàn dân ta một điều. “Thắng không kiêu”. Không say sưa vì thắng lợi. Cần thấy rõ những bước đường cách mạng phía trước hãy còn nhiều gian nan thử thách. Người khẳng định rõ:
“ Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn” .

KẾT LUẬN
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lới, ghi một “cái mốc chói lọi bằng vàng” trong lịch sử nước ta. Nó báo hiệu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên phủ làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công./.
Hà Nội, ngày 6-4-2009.



TẤM LÒNG HỒ CHÍ MINH VỚI
THƯƠNG BINH, GIA ĐÌNH LIỆT SĨ


PGS,TS Nguyễn Thế Thắng

Lãnh đạo nhân dân ta làm Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống lại hai tên đế quốc to của thế kỷ XX, trong chiến tranh hay hoà bình, khi nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định rõ công lao to lớn của các thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình họ. Người hết lòng lo lắng việc giúp đỡ họ với tư cách là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân Việt Nam. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", trong Đổi mới hôm nay, không thể nào không tiếp tục học và làm theo tư tưởng, tấm gương của Người trong chăm lo tới các thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình họ.
Chưa có ai định nghĩa Thương binh, Liệt sĩ bằng những nội dung nặnh tình ân nghĩa như Hồ Chí Minh:
“Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ"1.
Ghi nhận hy sinh vô giá, công lao to lớn của thương binh liệt sĩ với đất nước, nhân dân, Người nêu rõ máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa Độc lập, kết trái Tự do. Đồng thời, hết sức cảm thông với những thiệt thòi của thương binh, liệt sĩ và gia đình họ trong cuộc sống hoà bình, đã kêu gọi đồng bào chia sẻ với những tâm tư, mất mát lớn của thương binh, liệt sĩ. Người nói: Cách mấy ngày trước, họ là những thanh niên lành mạnh, vui vẻ, oanh liệt. Trải qua những ngày ăn gió nằm sương, những trận mưa bom, bão đạn, họ bị tay què, chân cụt, họ hoá ra thương binh. Khi cách mạng, kháng chiến thành công, họ không tránh khỏi phân vân. Họ hy sinh cho ai?
"Cách mấy ngày trước, bố mẹ họ nhận được tin tức, đang mong cho đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, họ sẽ trở lại quê hương, một nhà đoàn tụ.
Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà hoá. Con dại trở nên bồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Họ đã hy sinh cho ai?"1
Cho nên nhân dân ta cần thấm thía rằng trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân hy sinh là hy sinh một phần của cải và thời giờ. Của cải hết, có thể lại làm ra. Thời giờ qua, thời giờ lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mệnh. Cụt chân gãy tay, chân tay không thể mọc lại. Người chết không thể sống lại. "Đó là một sự hy sinh tuyệt đối". Đồng bào biết rằng: Các chiến sĩ trong bộ đội ai cũng có cha mẹ anh em, ai cũng có gia đình thân thích. Nhưng họ đã hy sinh tiểu gia đình của họ, họ đã không ngần ngại rời cha mẹ, bỏ quê hương, ra xông pha bom đạn, để phụng sự đại gia đình dân tộc gồm cả gia đình của mỗi đồng bào. Do đó, nhân dân ta cần phải biết ơn, yêu mến và giúp đỡ anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ.
Không chỉ chia sẻ, cảm thông với tất cả các thương binh, gia đình liệt sĩ của cả dân tộc, mà có dịp, Người gửi thư chia buồn, hoặc gửi quà tặng tới riêng từng gia đình liệt sĩ, hoặc thương binh. Nghe tin con giai bác sĩ Vũ Đình Tụng đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Người đã viết thư chia buồn, trân trọng thưa với Bác sĩ Vũ Đình Tụng là Ngài.
" Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.....Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc....Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài"2. Đồng thời, Người khẳng định đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên công ơn của những người đã hy sinh vì Tổ quốc như con giai của bác sĩ Vũ Đình Tụng.
Ngày 16-2-1947, trên cương vị Chủ tịch nước, Người ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tử tuất. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên đặt nền tảng cho chính sách thương binh, liệt sĩ của nước ta.
Tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm " Ngày thương binh" để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Thực hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, Khối và Tỉnh đã họp ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) bàn bạc, nhất trí đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm "Ngày thương binh liệt sĩ" đầu tiên trong cả nước. Từ đó, ngày 27-7 hàng năm thành "Ngày thương binh liệt sĩ". Vào các dịp 27-7 hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra Lời kêu gọi toàn dân, hoặc gửi thư tới Bộ trưởng Bộ thương binh, cựu binh, hoặc các bệnh viện, các thương binh, gia đình liệt sĩ. Người yêu cầu Đảng, Chính quyền, Đoàn thể các cấp thực hiện nghiêm túc chính sách thương binh liệt sĩ. Đảm bảo cho họ được "Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần". Nhắc nhở nhân dân tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái với thương binh và gia đình liệt sĩ. Động viên anh chị em thương binh phấn đấu để trở thành những người "tàn nhưng không phế", hăng hái, lạc quan đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta.
Người nêu ra phương châm chỉ đạo trong thực hiện công tác thương binh liệt sĩ rất phù hợp vớiđạo lý truyền thống của dân tộc và hoàn cảnh đất nước: "Đồng bào sẵn sàng giúp đỡ, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm thì anh em nhất định dần dần tự túc được". Nay, quán triệt tư tưởng của Người cần phát huy sức mạnh của thế "Kiềng 3 chân". Nhà nước, nhân dân và thương binh, gia đình liệt sĩ cùng ra sức thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ. Trong đó, chính sách của Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đòn bẩy. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa của nhân dân giữ vai trò quan trọng. Còn bản thân thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ có vị thế quyết định trong việc phấn đấu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mình.
Sinh thời, Hồ Chí Minh có nhiều sáng kiến phát động các phong trào nhân dân giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Tháng 2 năm 1948, Người gửi thư cho các cháu nhi đồng phát động phong trào công tác Trần Quốc Toản nhằm giúp đỡ các gia đình bộ đội, gia đình thương binh, liệt sĩ. Tháng 7 năm 1951, phát động phong trào "Đón thương binh về làng", để Đảng, Chính quyền, Đoàn thể và nhân dân các làng, xã sản xuất giúp đỡ thương binh, giúp thương binh làm những công việc nhẹ, phù hợp để có thể tự sinh sống, hoà nhập với cộng đồng, v,v,.Thường xuyên viết thư, báo kịp thời biểu dương, cổ vũ những cá nhân, tập thể có thành tích trong giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sĩ.
Bản thân Chủ tịch gương mẫu thực hiện việc giúp đỡ thương binh, liệt sĩ. Như ngày 17-7-1947, Người báo cho Ban thường trực của Ban tổ chức "Ngày thương binh toàn quốc" :
"Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng(1.127đ.00)1. Sau này, Người còn nhiều lần gửi tiền tiết kiệm, nhuận bút của mình ủng hộ thương binh, gia đình lịêt sĩ
Người dành thời gian viết nhiều bài báo ca ngợi, biểu dương những tấm gương liệt sĩ anh hùng. Như Mạc Thị Bưởi, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót. Ca ngợi các cán bộ lãnh đạo của Đảng hy sinh vì nước như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, v,v. Biểu dương các thương binh có nhiều thành tích trong học tập, tăng gia sản xuất, trở thành các chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc. Như các anh Trần Chút ở Cẩm Xuyên Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Hơn người miền Nam, công tác ở Nghệ An, Phạm Văn Tiêm, ở Nông trường Đông Hiếu, v,v.
Người nhiều lần viết thư cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết, kịp thời biểu dương công lao, khuyến khích họ lạc quan, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng cuộc sống mới. Giữ vững truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của quân đội cách mạng. Giữ vững kỷ luật, thật sự đoàn kết thương yêu lẫn nhau giữa anh em thương binh, bệnh binh với nhau, giữa thương binh, bệnh binh với các cán bộ, nhân viên y tế chăm sóc họ, và với đồng bào địa phương. Khuyên họ không nên công thần, ỷ lại, kém tin tưởng, hoặc yêu cầu nhân dân quá đáng, không tích cực công tác,v,v.
Tất cả các lời kêu gọi, thư từ, bài viết, nói chuyện với các tầng lớp nhân dân ta và hành động thực tế của Người đều toát lên một tinh thần thấu hiểu anh chị em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Mong muốn, cổ vũ đồng bào các địa phương sẵn sàng trợ giúp thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong việc sản xuất làm ăn, nghỉ ngơi, giải trí. Và yêu cầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể phải chấp hành một cách chu đáo các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Với một tấm lòng ưu ái, một tâm hồn và trái tim vĩ đại, trước lúc đi xa, trong Di chúc cho Đảng cho Dân, Người thiết tha nhắn lại với đời:
"Đầu tiên là công việc với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp đối với mỗi người để họ có thể dần dân "tự lực cánh sinh".
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét"1. Các thế hệ hôm nay và mai sau không thể quên bổn phận thực hiện di huấn của Người.
Hà Nội, ngày 27-7-2008



TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN ĐẠO ĐỨC
TRONG DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH


PGS,TS Nguyễn Thế Thắng*

Di chúc Hồ Chí Minh là những lời căn dặn của Người trước lúc lâm chung với toàn Đảng, toàn dân ta về những việc cần làm và nên làm. Trong thể văn đặc biệt đó, toát lên tất cả tâm hồn, tính cách, và trí tuệ của một anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa. Đặc biệt, xuyên suốt Di Chúc là một chủ nghĩa nhân văn và tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng của một con người chân chính, một vĩ nhân sẽ sống mãi cùng dân tộc Việt Nam.
1- Quan tâm, thương yêu con người, đấu tranh giải phóng con người khỏi mọi áp bức bóc lột và đau khổ, để phát triển toàn diện.
Cốt lõi của chủ nghĩa nhân văn là quan điểm coi trọng nhân cách, phẩm giá con người, thương yêu con người, điều đó ở Hồ Chí Minh thật sự sâu sắc và có điểm đặc biệt. Con người trong thiên hạ có nhiều tầng lớp, thứ hạng khác nhau, song, tầng lớp được Hồ Chí Minh dành cho nhiều tâm hồn, tình cảm, trí tuệ của mình chính là những người lao động và người nghèo khổ nhất. Họ bao gồm đến hơn 90% dân ta và nay cũng hãy còn là đa số trong nhân loại.
Muốn giải phóng những người cùng khổ đó, Hồ Chí Minh đã hiến cả đời mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Những mong muốn sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc và phát triển toàn diện. Và, trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại, thấm đậm sâu sắc chủ nghĩa nhân văn đó, Hồ Chí Minh đã quan tâm đến tất cả các tầng lớp, các loại người, không bỏ sót một ai trong quốc gia dân tộc.
Đến khi chuẩn bị từ biệt thế giới này, sự quan tâm và tình thương yêu, quý trọng với mọi con người của Hồ Chí Minh thấm đậm sâu sắc trong tất cả các lời căn dặn.
Trước hết nói về Đảng, gồm những người ưu tú từ tất cả các tầng lớp nhân dân lao động mà ra, Người căn dặn Đảng phải tiếp tục một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền, có quyền lực con người dễ bị tha hóa, cho nên mỗi cán bộ, Đảng viên phải thể hiện tính nhân văn cao cả nhất của con người làm lãnh đạo kiểu mới. Nghĩa là phải “ Là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.”1. Người lãnh đạo phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Vì, chỉ thật sự yêu thương, kính trọng và phục vụ con người, phục vụ nhân dân, thì cán bộ, cũng như toàn Đảng mới giữ vững được vai trò một đảng cầm quyền.
Đối với nhân dân lao động, Hồ Chí Minh có một sự cảm thông sâu sắc với họ vì đã bao đời nay họ phải chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột lại phải kinh qua nhiều năm chiến tranh. Cho nên, hòa bình lập lại, Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm và có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong nhân dân lao động, nông dân là những người chiếm số đông nhất, hơn nữa lại là những đồng bào hết sức trung thành với Đảng, Chính phủ, đã góp nhiều của, nhiều người cho cách mạng, đã vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nên người rất quan tâm chia sẻ với những đồng bào đó. Người đề nghị khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn toàn thắng lợi, Nhà nước miễn thuế nông nghiệp một năm cho bà con nông dân hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.
Với truyền thống “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta, Hồ Chí Minh ân cần dặn dò Đảng, Chính phủ có chế độ, chính sách đối xử chu đáo với những người có công với cách mạng.
“Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”1.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Với những người là cha mẹ, vợ con (của thương binh liệt sĩ), Người chỉ rõ: Họ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Từ trong chiến tranh, với tầm nhìn xa của một nhà lãnh đạo lớn, Hồ Chí Minh vạch rõ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, phải chú ý quan tâm đến những người trẻ tuổi có công trong kháng chiến. Như với các chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu, Đảng và Chính phủ cần chọn một số người ưu tú nhất đưa đi học thêm các ngành, các nghề, để “Tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”2.
Đó là một sự quan tâm đối xử công bằng, hợp lý về lợi ích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và phát triển toàn diện của con người, nhất là trong điều kiện thời bình, mọi người đều lo làm ăn, phát triển kinh tế văn hóa.
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh đề cao, kính trọng con người, nhất là quan tâm đến đấu tranh giải phóng một nửa nhân loại là phụ nữ. Phải làm cho phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực. Trong Di Chúc, Hồ Chí Minh đánh giá cao công lao của người phụ nữ đảm đang trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, chỉ rõ trách nhiệm của Đảng, Chính phủ: “Cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”1.
2- Lòng khoan dung độ lượng đối với con người. Kính trọng, tin tưởng vào sức mạnh và trí sáng tạo to lớn của con người và nhân dân.
Hồ Chí Minh là người có lòng khoan dung độ lượng vĩ đại. Người đã đoàn kết được tất cả mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam gắn liền với đại đoàn kết quốc tế. Người thường khuyên cán bộ, Đảng viên không nên có tư tưởng, tác phong cô độc, hẹp hòi. Lòng dạ như cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, chỉ một chút nước cũng đã tràn đầy. Còn khoan dung, đại độ ví như sông to, biển rộng, bao nhiêu nước cũng chứa được. Cán bộ, Đảng viên nên có lòng dạ rộng rãi, sâu xa như thế. Như vậy, mới có thể quan tâm hết thảy mọi người, đoàn kết được cả với người mình không ưa. Tha thứ, khoan hồng cho những kẻ lầm đường, lạc lối, biết hối cải. Hòa bình lập lại, công việc đầu tiên của Đảng, Nhà nước là phải quan tâm đến công việc đối với con người, không bỏ sót một ai.
Hồ Chí Minh căn dặn Đảng, Nhà nước ta một mặt quan tâm đến những người có công với cách mạng, mặt khác, cần chú ý đến những kẻ yếu thế trong xã hội. Nên vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v,v, để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.
Tin tưởng ở những phẩm chất tốt đẹp của con người, Hồ Chí Minh khẳng định trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trên thế giới này không có sức mạnh nào to lớn bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Viết Di chúc trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn đang diễn ra gay go quyết liệt, nhưng tin tưởng vào toàn Đảng, toàn dân ta, Người khẳng định rằng: Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ xum họp một nhà. Tin tưởng rằng:
“Còn non, còn nước , còn người,
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay’’1.
Rất lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ sáng tạo của con người, và tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam, song, Người vẫn đồng thời căn dặn Đảng, Nhà nước ta không nên chủ quan sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Công việc mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm ngay là nhanh chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man của chúng. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Đảng, Nhà nước phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót, sai lầm. Đó là một tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân của một lãnh tụ vĩ đại suốt đời vì dân, vì nước. Chính vì công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế văn hóa, cũng là công cuộc giáo dục, xây dựng con người mới rất to lớn, nặng nề và phức tạp, nên Người cũng chỉ ra chìa khóa vàng để khắc phục. Đó là Đảng, Nhà nước, Người lãnh đạo, quản lý phải biết tin vào dân, dựa vào dân mới có thể thành công.
Trong Di Chúc, Hồ Chí Minh khẳng định rõ :
’’ Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân’’2.
Ngày nay, chúng ta cũng phải biết dựa vào con người, dựa vào nhân dân mới có thể vượt qua được khó khăn, nguy cơ và thử thách để đi tới thành công.
3- Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, xây dựng con người là chiến lược hàng đầu.
Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh không cao siêu trìu tượng, mà nó cụ thể trong kế hoạch lâu dài có tính chiến lược với cách mạng nước ta. Chiến lược trồng người. Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.
Trong Di chúc Hồ Chí Minh thể hiện rõ lòng yêu quý, tin tưởng của một vĩ nhân với thế hệ trẻ. Người đánh giá rất tốt bản chất Đoàn viên, thanh niên nước ta. Mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Nhưng thương yêu, tin tưởng thế hệ trẻ không phải là để mặc họ muốn làm gì thì làm. Người xác định rõ tránh nhiệm của Đảng, Nhà nước ta:
“ Cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”1 .
Đó chính là định hướng đào tạo, giáo dục lâu dài cho thế hệ trẻ hiện nay. Đảng, Nhà nước, các Đoàn thể, đặc biệt là Đoàn thanh niên, và hệ thống giáo dục quốc dân đều cần quán triệt định hướng đó trong chiến lược con người của mình. Hồ Chí Minh vĩ đại hơn nhiều lãnh tụ, chính khách khác chính ở điểm này. Người rất quan tâm và định hướng đúng việc đào tạo bồi dưỡng những người thừa kế sự nghiệp cách mạng của những người đi trước. Coi đó công việc hết sức quan trọng và cần thiết, đảm bảo để cách mạng không bị gián đoạn, nửa chừng đổ vỡ, mà phải liên tục phát triển đi lên cùng với thời đại.
4- Trong Di chúc, việc riêng của con người Hồ Chí Minh cũng thành việc lo chung cho nhân dân ta.
Di chúc là một văn bản dân sự của một con người trước khi mất, nên không thể không nói đến việc riêng của người viết di chúc. Song, điều độc đáo của Di chúc Hồ Chí Minh là ở chỗ: Người bàn về việc riêng thật thấm đậm tình người với bản sắc dân tộc Việt Nam, nhưng cũng lại là việc Hồ Chí Minh lo cho cái chung, vì cái chung, việc chung của nhân dân Việt Nam.
Ấy là khi Hồ Chí Minh nói về cái chết của mình. Người ung dung tự tại chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hằng theo quy luật của tự nhiên. Không tham sống. Không sợ cái chết đã đành, Người viết Di Chúc còn muốn để cho “đồng bào, đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. Thật là một sự chuẩn bị chu đáo nặng tình nghĩa với đồng bào, đồng chí.
Cuộc đời trong sáng, nhân văn cao cả hiện lên rõ nét nhất khi Hồ Chí Minh nói về bản thân:
“Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”1.
Phải yêu thương con người lắm, nhất là yêu thương đất nước và đa số nhân dân ta còn nghèo, nên Người căn dặn rằng:
“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”2.
Đến khi chết và mai táng Hồ Chí Minh vẫn lo cho người sống. Người muốn ‘hỏa táng” để “ Đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng”. Người muốn việc hỏa táng thân thể mình, mai táng tro xương mình hãy còn là một việc được phục vụ đồng bào một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.
“ Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn họp tro đó. Trên mả không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi,
chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”3.
Bây giờ thế giới bắt đầu bàn đến việc giáo dục đạo đức môi trường. Ở Hồ Chí Minh, từ rất sớm, trong tư tưởng nhân văn đã chứa đựng một tình yêu thương con người sâu sắc hòa quyện cùng tình yêu thiên nhiên. Một tình yêu cao cả khiến Người trở thành một tấm gương tiêu biểu của thế giới hiện đại về đạo đức mới, trong đó có nội dung đạo đức sinh thái, vì sự nghiệp bảo vệ môi trường sống của con người.
Sinh thời, Người khởi xướng phong tục tết trồng cây. Khi ra đi, Người còn muốn bản thân mình làm lợi cho môi trường sống của nhân dân ta, đất nước ta:
Người di chúc: Ở nơi tưởng niệm tro xương Hồ Chí Minh “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão”1.
5- Tấm gương đạo đức cách mạng Trung với nước hiếu với dân, Cần kiệm liêm chính chí công vô tư, tinh thần quốc tế trong sáng.
Toàn bộ Di chúc Hồ Chí Minh toát lên tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và bản thân việc viết Di chúc, đấu tranh với bệnh tật những năm cuối đời, giữ cho đầu óc minh mẫn, sáng suốt, mặc dầu sức khỏe của Người ngày càng giảm sút, cũng là tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng của một lãnh tụ đã hiến dâng cả đời mình cho dân, cho nước.
Giáo dục cán bộ Đảng viên và nhân dân ta phải coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, và quan trọng hơn chính Người gương mẫu thực hiện điều đó trước. Là người con của một dân tộc anh hùng đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta với thế giới, Người trối trăng điều tâm huyết nhất: Cán bộ, Đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Hay tóm gọn lại là tận trung với nước, tận hiếu với dân. Cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Tức là “ở đời và làm người”, một cách trọn vẹn.
Vượt lên trên những người người yêu nước nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh không chỉ là người yêu nước mình một cách chân chính nhất mà còn là người có tinh thần quốc tế vô sản trong sáng nhất. Người muốn tiếp tục giáo dục tinh thần quốc tế ấy cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân ta bằng lời tự sự và lời căn cặn chân tình nhất cho Đảng ta và những người cộng sản trên thế giới:
“ Về Phong trào cộng sản thế giới - là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!
Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình” 1.
Với niềm tin sâu sắc vào con người, vào giai cấp công nhân, vào cách mạng thê giới và tiến bộ xã hội, Người tiên đoán trong Di Chúc:
“ Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”2.
KẾT LUẬN
Đọc Di chúc, tôi hết sức tán đồng với nhận định của Giáo sư Trần Văn Giàu về chủ nghĩa nhân văn, đạo đức Hồ Chí Minh:
“ Tầm cỡ của một hiền triết chưa chắc ở chỗ giải đáp mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ xác định thế giới là thực tại hay ảo ảnh, khả tri hay bất khả tri, ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ; mà chung quy là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang phải sống trên quả đất này và chắc còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó; vì đó mà cụ lớn”3.
Chính chủ nghĩa nhân văn cao cả và đạo đức Hồ Chí Minh sáng ngời làm cho Di Chúc Hồ Chí Minh bất tử trong lòng người dân ta và nhân loại tiến bộ.
Hà Nội, Ngày 30-8-2009./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét